Đối với tỉnh Ninh Thuận hiện nay tình hình nắng nóng kéo dài xảy ra trên địa bàn tỉnh là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong thức ăn, nhất là khi các nguyên liệu, thức ăn không được chế biến, bảo quản đúng cách, đặc biệt dễ xảy ra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có điều kiện bảo quản thực phẩm như thức ăn đường phố (kinh doanh bánh mì, xôi, bánh chưng, bánh ít, bánh bông lan, bánh kem,...). Bên cạnh đó nhận thức, sự hiểu biết của người dân trong việc lựa chọn, chế biến thực phẩm còn hạn chế; ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố chưa cao là nguyên nhân có thể gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Người dân mua thức ăn tại Khu phố đi bộ (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh vừa có Công văn số 2193/UBND-VXNV về tăng cường công tác ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Theo đó, để chủ động trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp các thông điệp và biện pháp bảo đảm ATTP nhằm thông tin, cảnh báo nguy cơ mất ATTP theo lĩnh vực, địa bàn quản lý. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP trong chế biến, bảo quản đối với các thực phẩm có nguy cơ dễ gây ngộ độc thực phẩm như: các loại bánh mì kẹp thịt nguội, bánh mì pa tê; các loại bánh ngọt (bánh su kem, bánh ít, bánh da lợn, bánh bông lan,… các sản phẩm bán rộng rãi ở vỉa hè, đường phố, tại các chợ dân sinh, trong các căn tin trường học, trước cổng trường học. Đây là những sản phẩm dễ bị hư hỏng, biến chất nếu không được bảo quản đúng cách, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng kéo dài hiện nay, dễ gây mất ATTP, có nguy cơ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Khuyến cáo người dân lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm bị ôi thiu, ẩm mốc, có mùi hoặc các thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nghi ngờ chứa độc tố tự nhiện (như nấm độc, quả rừng, cá nóc, thịt cóc,...) để chế biến thức ăn. Thông tin kịp thời về Sở Y tế khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, UBND huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực mình quản lý, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công văn này, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/6/2024.
Xuân Bính