Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh

Trong 4 tháng đầu năm, được sự chỉ đạo sâu sát quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương đạt được nhiều kết quả khả quan, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Nổi bật trên lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 634,8 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư thuộc cấp tỉnh quản lý thực hiện 417,4 tỷ đồng, chiếm 65,8% tổng vốn và tăng 30,8%; vốn đầu tư thuộc cấp huyện quản lý thực hiện 212,7 tỷ đồng, chiếm 33,5% và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm so với kế hoạch năm 2024 đạt 20,2%, mức cao nhất các năm 2020-2024. Có được kết quả trên, nhờ tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm; các ban quản lý dự án chuyên ngành, các chủ đầu tư tích cực làm việc để hoàn thành các thủ tục đầu tư; tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Công nhân Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) vào ca sản xuất. Ảnh: V.Nỷ

Trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh. Lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của dân cư tác động đến sức mua tăng chủ yếu ở một số nhóm hàng hóa và dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 13.806,8 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 10.544,2 tỷ đồng, chiếm 76,4% và tăng 13%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.080,5 tỷ đồng, chiếm 15,1% và tăng 15,6%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 5,3 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 15,4%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.176,8 tỷ đồng, chiếm 8,5% và tăng 13,2% so cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 11,58% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh được 1.623,2 tỷ đồng, đạt 40,6% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm, tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý I/2024. Tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện kỷ niệm 32 năm Ngày tái lập tỉnh; Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư; kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ý nghĩa, thiết thực, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai đầy đủ; công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường; vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. An ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Phát huy các kết quả được, tỉnh tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2024 với kết quả cao nhất.

Theo đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất vụ hè - thu gắn với triển khai hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển cánh đồng lớn; triển khai hiệu quả Kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và hiện tượng El Nino; tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ rừng. Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Du khách tham quan trang trại nho Ba Mọi, xã Phước Thuận (Ninh Phước). Ảnh: Tiến Mạnh

Chỉ đạo triển khai Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng, nhất là dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3 để sớm đưa vào vận hành. Hoàn thành đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2040. Tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng cho một số sản phẩm công nghiệp như đá xây dựng, tôm đông lạnh và muối chế biến; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án sản xuất, kinh doanh dự kiến khởi công công trình trong năm 2024. Xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là tiến độ các công trình trọng điểm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tổ chức lựa chọn và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư dự án LNG Cà Ná. Quản lý chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách; khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất đai; tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức bán đấu giá các cơ sở nhà đất tạo nguồn thu ngân sách. Triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả nhất là các chính sách tài chính tiền tệ thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH để vừa kích thích tổng cầu, vừa tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Chỉ đạo tổ chức thi kết thúc năm học 2023-2024 các cấp, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chủ động giám sát, tích cực phòng, chống dịch bệnh phát sinh trong mùa hè; triển khai công tác đấu thầu mua thuốc tập trung năm 2024; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao các chỉ số đánh giá cấp tỉnh.