Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập Ban quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, luôn bám sát nhiệm vụ; đánh giá sát thực nhu cầu thực tế tại cơ sở và hội viên, ND để triển khai đảm bảo đúng đối tượng của chương trình. Chỉ đạo các cấp hội tổ chức triển khai các nội dung kế hoạch theo điều kiện cụ thể của địa phương; tổ chức phát động, hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển kinh tế.
Hội Nông dân tỉnh triển khai dự án hỗ trợ liên kết sản xuất táo theo chuỗi giá trị tại thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn).
Ông Thái Bá Hòa, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Thông qua Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Hội ND tỉnh đã triển khai 2 mô hình: Giảm nghèo hỗ trợ phát triển trồng táo liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) và hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong 36 tháng, ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng vốn của 2 mô hình là 4,12 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 36%, vốn đối ứng của hộ dân 64%. Sau một năm triển khai thực hiện, hiệu quả mang lại rõ rệt, tác động tích cực góp phần giúp cải thiện đời sống của các hộ.
Để đạt các mục tiêu đề ra và duy trì tính bền vững của dự án, trong quá trình khảo sát, các cấp hội cẩn trọng lựa chọn cây, con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là nhu cầu của các đối tượng được hỗ trợ. Trong quá trình triển khai thực hiện, có sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với các ngành, địa phương và đơn vị liên quan, cán bộ hội bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc đảm bảo tiến độ, thời vụ theo từng mô hình... Qua đó, đảm bảo cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho ND.
Là một trong các hộ hưởng lợi dự án Hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cây táo, ông Dương Tấn Chín, chia sẻ: Trước đây, tôi trồng nhiều loại cây nhưng không hiệu quả do đầu ra sảm phẩm không ổn định, khi tham gia dự án tôi được doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật canh tác táo sạch, đến khi thu hoạch doanh nghiệp đến tận vườn thu mua sản phẩm với giá cả ổn định do đó rất an tâm. Liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, trên cùng một đơn vị diện tích nhưng trồng táo cho năng suất cao hơn 20% so với các loại cây trồng khác. Ngoài ra, tôi còn tận dụng đất trống dưới giàn táo để trồng cỏ, nuôi dê, tăng thêm thu nhập.
Thực tế trong nhiều năm qua, “rào cản” lớn nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế gia đình là thiếu vốn sản xuất và khoa học - kỹ thuật. Nhưng “rào cản” này hiện nay đã được tháo gỡ thông qua tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể vào cuộc. Bằng cách trao cho người nghèo “chiếc cần câu”, như: Hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề, chia sẻ kinh nghiệm,… đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong các cấp Hội ND đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh, bền vững.
Anh Thi