Tin tổng hợp

* Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Điện gió và điện mặt trời được đầu tư trên địa bàn xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Trong quá trình phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sáng kiến về mô hình phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước như: Mô hình phát triển điện gió kết hợp với dự án phát triển điện mặt trời; Mô hình kết hợp điện gió trên các tuyến đường dân sinh của dự án đồng muối Quán thẻ; Mô hình xã hội hoá đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời kết hợp đầu tư trạm biến áp và hạ tầng truyền tải (Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia) góp phần tiết kiệm, giảm áp lực ngân sách nhà nước, giải toả công suất và liên kết vùng; Mô hình xây dựng trạm cắt và đường dây kết hợp nhiều dự án đấu nối cùng cấp điện áp 110kV và 220kV (điện mặt trời BP Solar, Sinergy, Bầu Zôn, Phước Hữu Điện lực 1; điện mặt trời Thuận Nam 13, Đức Long Gia Lai, Hacom) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư cho dự án. Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất kiến nghị phát huy sáng kiến với các mô hình kết hợp phát triển năng lượng với các ngành khác nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao giá trị sử dụng đất. 

* Công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành năng lượng được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2022-2023, toàn tỉnh đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu sử dụng của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng khoảng 438 người (Điện công nghiệp 319 người; cơ điện tử 66 người; điện tử công nghiệp 32 người; Hàn 21 người).

Sinh viên Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận thực tập nghề Hàn. Ảnh: Văn Nỷ

Hiện nay, có khoảng hơn 1.100 lao động phục vụ tại 57 nhà máy năng lượng, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, với thu nhập người lao động có chuyên môn qua đào tạo đáp ứng yêu cầu vận hành trong các nhà máy bình quân 15 triệu đồng/tháng; nhân viên văn phòng khoảng 20 triệu/tháng. Đã thành lập các Tiểu ban tư vấn của Hội đồng giáo dục nghề nghiệp tỉnh ngành Năng lượng và ngành Du lịch, với nhiệm vụ tổ chức các hoạt động để tư vấn các nội dung liên quan đến việc phát triển nhân lực ngành kinh tế trọng điểm giúp tập trung chỉ đạo, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp, kết nối sự tham gia của các bên trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có sự tham gia đầy đủ của các tổ chức, cá nhân có liên quan; tiến hành rà soát lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính hết tháng 12/2023, toàn tỉnh có 12 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, trong đó, một Trường Cao đẳng nghề; 2 Trường Trung cấp; 3 Trung tâm dạy nghề công lập; 6 Trung tâm dạy nghề ngoài công lập và các cơ sở khác tham gia dạy nghề, với quy mô đào tạo trên 9.000 người/năm. Hiện nay cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng danh mục nghề, nhóm nghề, chương trình Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Sơ cấp nghề và Dạy nghề dưới 3 tháng để đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn. Tất cả các giáo viên đã sử dụng bài giảng điện tử trong quá trình dạy học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề.