UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024

Ngày 16/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1670/KH-UBND về phát động phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích

- Phát huy sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia vào chương trình chuyển đổi số. Qua đó góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống và làm việc của người dân.

- Bám sát chủ đề hành động của Tỉnh năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: Thương mại điện tử-thanh toán không dùng tiền mặt; Số hóa các ngành kinh tế; Quản trị số; Dữ liệu số, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”; trọng tâm là xây dựng “chính quyền điện tử, chính quyền số”, là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc hình thành phát triển hoàn thiện hạ tầng số; khai thác, chia sẻ, kết nối sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu; ưu tiên thúc đẩy thực hiện phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhất là các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm; phục vụ hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu dịch vụ; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị Quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra; cũng như góp phần thực hiện nhanh nhất các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Nhân viên Trung tâm Điều hành đô thị thông minh Tp. Phan Rang - Tháp Chàm giám sát hoạt động hệ thống. Ảnh: Văn Nỷ

- Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024; kịp thời phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua Chuyển đổi số nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024 phải được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải coi việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong các hoạt động của đơn vị mình; chủ động xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực, đơn vị, địa phương.

- Phát huy trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua; có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ 6 tháng, sơ kết, tổng kết.

- Công tác khen thưởng đảm bảo dân chủ, chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định theo.

II. Phạm vi, đối tượng và nội dung phong trào thi đua Chuyển đổi số:

1. Phạm vi: Phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024 được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Đối tượng:

- Tập thể: Các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị thuộc khối thi đua tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã và các doanh nghiệp, các tổ chức hợp pháp khác có thành tích tham gia vào phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024 góp phần hoàn thành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

- Cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức nêu trên.

3. Nội dung:

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức trong triển khai thực hiện phong trào thi đua Chuyển đổi số.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

- Ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số.

- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số. Tập trung phát huy và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của tỉnh về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp Đảng ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người dân và doanh nghiệp về sự cấp thiết của chuyển đổi số, đáp ứng xu thế bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ số.

- Tăng cường quản lý an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, kịp thời cảnh báo cũng như xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh và vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chuyển đổi số, khuyến khích, thu hút, phát triển xã hội số.

- Đẩy nhanh tiến trình số hóa giấy tờ trong các cơ quan (trừ những văn bản mật); cùng với việc kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, các cơ sở dữ liệu quốc gia để nâng cao số lượng, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

- Đổi mới phương thức lãnh đạo, số hóa trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số tương tác với chính quyền trên môi trường số thông suốt, hiệu quả.

III. Tiêu chí thi đua:

Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch số 1446/KH-BĐHCĐS ngày 4/4/2024 của Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024. Đặc biệt, chú trọng các tiêu chí sau:

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố công khai danh mục dữ liệu mở. Tăng cường công tác số hóa hồ sơ, tài liệu.

- Đăng ký, triển khai thực hiện mỗi cơ quan, đơn vị có một sản phẩm cụ thể.

- Đẩy mạnh ứng dụng hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công việc; ứng dụng Chữ ký số trong các giao dịch điện tử, Hệ thống thông tin báo cáo, Hệ thống hội nghị trực tuyến… Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp được ký số thay thế văn bản giấy (trừ văn bản mật); 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- 100% dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên nhiều nền tảng truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

- Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 60%; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt 70%.

- 95% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo điện tử của tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống báo cáo tỉnh Ninh Thuận với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

- 100% Cổng/Trang thông tin điện tử các Sở, ban, ngành và địa phương công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

- Kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50% (không áp dụng đối với dữ liệu mật, tuyệt mật và dữ liệu phục vụ công tác quân sự, quốc phòng).

IV. Hình thức, số lượng, khen thưởng:

1. Hình thức khen thưởng: Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Số lượng khen thưởng: Không quá 05 tập thể, 07 cá nhân.

V. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan theo dõi rà soát các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch số 1446/KH-BĐHCĐS ngày 04/4/2024 của Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh trong việc đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và tình hình hưởng ứng Phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 15/12/2024.

2. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Hướng dẫn, tổ chức, thẩm định đề xuất khen thưởng theo quy định.

3. Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương: Căn cứ Kế hoạch này và điều kiện cụ thể, xây dựng văn bản triển khai tổ chức thực hiện hưởng ứng Phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024, bảo đảm nội dung, chất lượng, bám sát chỉ đạo của tỉnh; báo cáo kết quả thực hiện Phong trào thi đua; phát hiện; nhân rộng điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh; khen thưởng và đề nghị UBND tỉnh khen thưởng đảm bảo tiêu chí theo quy định.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận: Tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình tiên tiến Phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh: Tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua Chuyển đổi số năm 2024./.