Với mục tiêu phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện tốt vai trò tín dụng CSXH, gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng, bên cạnh nguồn vốn phân bổ từ trung ương, vốn ủy thác địa phương, PGD Ngân hàng CSXH huyện Thuận Bắc còn tập trung triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), nhằm tạo thêm nguồn vốn bổ sung để thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, PGD tập trung giải ngân thông qua 18 chương trình đạt trên 37 tỷ đồng/726 lượt khách hàng vay vốn, nâng tổng dư nợ hiện đạt gần 425 tỷ đồng/10.691 khách hàng. Trong đó, một số chương trình cho vay đạt tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu vào đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.
Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Bắc thăm hỏi tình hình sản xuất của hộ vay ở xã Lợi Hải.
Được sự giới thiệu của cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, chúng tôi đến thăm hộ chị Chamaléa Thị Ước, ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải là gương điển hình sử dụng vốn vay ưu đãi đem lại hiệu quả. Chị Ước chia sẻ: Cách đây 8 năm, tôi được xét duyệt cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư nuôi 4 con bò, nhờ chăm sóc tốt, chủ động được nguồn thức ăn đến nay đàn bò tăng lên 16 con; đồng thời, tích lũy được số vốn cải tạo đất trồng 2ha lúa, cuộc sống đã cải thiện hơn rất nhiều. Hiện tại gia đình còn vay 60 triệu đồng từ chương trình học sinh, sinh viên, nhờ nguồn vốn này đã giúp cho các con có điều kiện trang trải chi phí học tập. Theo chị Eamaxit Thị Tin, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lợi Hải, để giúp chị em tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, hội chú trọng hoạt động tuyên truyền, phối hợp với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện làm tốt công tác bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng. Đến nay, Hội Phụ nữ xã đang quản lý 12 tổ TK&VV, với dư nợ trên 31 tỷ đồng, các gia đình sau khi vay vốn đều đầu tư đúng mục đích, hình thành các mô hình làm ăn phù hợp với điều kiện địa phương, tạo thu nhập ổn định, hằng năm có từ 8-10 hội viên thoát nghèo.
Xác định tín dụng CSXH là một trong những công cụ thiết thực, góp phần thực hiện đảm bảo chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, trong quá trình chuyển tải vốn vay, PGD Ngân hàng CSXH huyện Thuận Bắc không ngừng nâng cao hoạt động chuyên môn, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ TK&VV, điểm giao dịch xã để đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Đáng ghi nhận hơn, tín dụng CSXH còn được thể hiện theo hướng đầu tư tập trung, dành nguồn lực ưu tiên cho các chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vùng miền núi kết hợp với các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, từ đó đóng góp chung trong phát triển kinh tế địa phương. Qua đánh giá, vốn tín dụng CSXH đã góp phần cùng với các nguồn lực khác thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 3,5-4%/năm, giúp cho 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Nguyễn Ngọc Ba, Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Thuận Bắc, cho biết: Trong thời gian tới, PGD tăng cường phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát các đối tượng có nhu cầu khi đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay theo quy định; tổ chức niêm yết công khai các chính sách cho vay mới để người dân nắm bắt, xây dựng kế hoạch đẩy nhanh hơn nữa các chương trình cho vay. Cùng với đó, tích cực tham mưu UBND huyện cân đối ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, định hướng hộ vay đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Hồng Lâm