Mặc dù mới sáng sớm, thế nhưng khắp làng đã văng vẳng tiếng nói, tiếng cười và âm thanh lao động, làm gốm của người dân địa phương. Ghé thăm khu sản xuất và trưng bày của hộ gia đình chị Đàng Thị Mỹ Lộ với 5 thế hệ làm nghề gốm. Hiện tại, ngoài tạo hình gốm, chị còn bận rộn sắp xếp, đóng gói đơn hàng gần 500 sản phẩm gốm đi thị trường Khánh Hoà. Hầu hết các sản phẩm gốm gia đình làm ra vào dịp Tết gồm: Nồi, chậu đất, lọ hoa và số ít các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp, giá trung bình giao động từ 30 nghìn đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm. Nếu như tháng bình thường, gia đình chị làm ra khoảng 700-800 sản phẩm, thì giai đoạn cận Tết tăng lên 1,5 lần. Tết năm nay, gia đình làm nhiều sản phẩm truyền thống giá bình dân, phục vụ sinh hoạt thường nhật hơn so với các sản phẩm mỹ nghệ, có hoạ tiết cầu kỳ giá trị cao. Cùng với đó, tại khu trưng bày trong nhà, gia đình cũng sắp xếp sản phẩm mới lên kệ, mẫu mã phong phú, đẹp mắt để du khách thuận tiện trải nghiệm và mua sắm.
HTX gốm Bàu Trúc tất bật sản xuất gốm truyền thống và gốm mỹ nghệ phục vụ dịp Tết.
Không riêng gì các hộ kinh doanh, tại Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc, các công đoạn làm gốm được các nghệ nhân, người làm nghề khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ. Tùy theo kích thước và độ khó, mỗi sản phẩm gốm có thể được làm trong vài phút đến hơn vài ngày. Trong dịp cận Tết, số lượng các sản phẩm gốm làm ra ở HTX tăng từ 2-3 lần so với ngày thường, trong đó tập trung bán ở khách sạn, nhà hàng, các đại lý trong và ngoài tỉnh; đồng thời phục vụ biểu diễn, trưng bày, mua sắm cho khách tham quan. Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: Cách đây 3 tháng, HTX đã lên kế hoạch sản xuất, thiết kế mẫu mã mới để thành viên, nghệ nhân chủ động nắm bắt. Trong đó, HTX tập trung nâng cao chất lượng tay nghề của nghệ nhân, đổi mới mẫu mã và cải tiến chất lượng sản xuất gốm. Bên cạnh đó, nhằm thu hút và tăng tính trải nghiệm thực tế cho du khách khi đến thăm làng nghề dịp Tết, chúng tôi còn chú trọng các hoạt động như: Biểu diễn văn nghệ, trình diễn nghệ thuật làm gốm, nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ chuyên nghiệp.
Từ những sản phẩm gốm phục vụ chủ yếu cho địa phương, nay người dân làng nghềkhông ngừng tạo ra các sản phẩm gốm mới lạ độc đáo, mẫu mã phong phú, hoa văn đẹp mắt, nhất là khôi phục các hoa văn cổ, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời, làng nghề cũng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách, qua đó, góp phần lan toả các giá trị văn hoá dân tộc cũng như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống người dân địa phương. Tiếp tục khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Đây chính là tín hiệu đáng mừng, tiếp thêm động lực để địa phương, người dân nỗ lực hơn nữa trong năm mới.
Lê Thi