Anh Nguyễn Văn Hạnh, ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Bước vào niên vụ mía 2023 - 2024, nhờ được Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nên nhiều diện tích mía nguyên liệu ở địa phương được hồi sinh. Riêng gia đình tôi cải tạo 2 ha vườn xoài lâu năm chuyển sang trồng mía, nâng tổng diện tích mía lên 4 ha. Nhờ chủ động nguồn nước từ Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tôi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ sản xuất, tiết kiệm được nhiều chi phí. Các khâu cày đất, phun thuốc bằng máy bay không người lái, thu hoạch… đều do công ty đảm nhiệm, hộ trồng mía nhàn nhã chờ thu hoạch xong nhận tiền. Niên vụ này năng suất và giá mía cao hơn niên vụ trước khoảng 10%, tôi trồng 4 ha mía thu lãi 160 triệu đồng.
Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang hỗ trợ nông dân đưa cơ giới vào thu hoạch mía.
Ông Lê Vinh Thắng, Phó phòng Nguyên liệu Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang chia sẻ: Có thời điểm ngành Mía đường gặp khó khăn, giá mía xuống thấp, nông dân thu hẹp diện tích sản xuất. Để duy trì vùng mía nguyên liệu, mấy năm gần đây công ty đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả. Xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) nằm trong vùng ảnh hưởng của hạn hán, để khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, nhiều hộ đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; trong đó, mô hình tưới nước bằng béc phun mưa đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng tại địa phương. Theo các hộ trồng mía, so với cách tưới bơm truyền thống thì tưới nước tiết kiệm giúp giữ được độ ẩm của đất theo nhu cầu sinh trưởng của cây trồng. Anh Lê Tuấn Anh là một trong những hộ ở huyện Ninh sơn áp dụng hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây mía. Để có nước sản xuất cho 2 ha mía, năm 2021 anh đầu tư gần 120 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa tự động. Do lượng nước tưới tự động được điều tiết đủ để giữ ẩm cho cây mía, nước không bị thất thoát chảy tràn ra ngoài nên tiết kiệm được một lượng nước khá lớn, bên cạnh đó năng suất cây mía cao gấp 2 lần so với các niêm vụ mía trước đây. Từ hiệu quả mô hình mang lại, niên vụ mía 2023-2024 anh nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm thêm 3 ha.
Bước đột phá trong sản xuất mía niên vụ 2023-204 là Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình “Phun phân bón lá kết hợp với thuốc trừ sâu đục thân cho cây mía bằng máy bay không người lái” trên địa bàn huyện Ninh Sơn với diện tích 149 ha. Mỗi ha mía phun phân bón lá hoặc thuốc bảo vệ thực vật bằng thủ công phải cần từ 4 - 5 người làm việc trong 1 ngày, chi phí từ 1,2 – 1,5 triệu đồng, trong khi sử dụng máy bay phun thuốc chỉ tốn thời gian khoảng 15 phút, chi phí 420.000 đồng. Đặc biệt, máy bay phun thuốc dưới dạng sương và với áp lực của cánh quạt giúp thuốc bám nhanh và điều vào bề mặt của lá mía, lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm được khoảng 30%. Ông Nguyễn Hào ở thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn cho biết: Các niên vụ mía trước đây mỗi lần kêu công phun thuốc sâu và bón phân tốn chi phí lớn, khoảng 3 triệu đồng/ha. Niên vụ mía 2023 - 2024 sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật rất hiệu quả, 19 ha mía của tôi chỉ phun trong 1 ngày là xong.
Niên vụ mía 2023-2024, Công ty Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu đạt 2.400 ha. Để duy trì và phát triển diện tích vùng mía nguyên liệu, công ty ban hành các chính sách hỗ trợ người dân cải tạo đất trồng, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía, với mức hỗ trợ từ 1,5 - 5 triệu đồng/ha. Đối với chính sách gia tăng năng suất mía, công ty thực hiện hỗ trợ tưới cho mía tơ với mức 2 triệu đồng/ha, mía gốc 1 triệu đồng/ha, tưới bổ sung 1 triệu đồng/ha; hỗ trợ nhân giống mía sạch bệnh, giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch; cam kết thu mua với giá bảo hiểm tối thiểu để bà con an tâm đầu tư sản xuất.
Ngành Mía đường vượt qua khó khăn nhờ vào tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn áp dụng công nghệ mới tạo đột phá về năng suất và chất lượng. Nông dân trồng mía trong toàn tỉnh vì thế đong đầy niềm vui trong mùa xuân mới.
Anh Tùng