Đồng bào Chăm ở Xuân Hải vui đón Ramưwan

(NTO) Về các làng Chăm An Nhơn, Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3 (gọi chung là Phước Nhơn) của xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải vào những ngày cuối tháng 7, chúng tôi cảm nhận không khí rộn ràng chuẩn vị đón Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni lan toả khắp đường làng, ngõ xóm.

Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước, giúp đồng bào Chăm ở Xuân Hải
có nước sạch sinh hoạt.

Dù bận rộn công việc chuẩn bị, nhưng anh Lượng Hà Du, Trưởng thôn An Nhơn vẫn dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Sau chén trà mời khách, anh phấn khởi thông báo: “Năm nay “mưa thuận, gió hoà”, bà con thu hoạch vụ lúa đông – xuân sớm, năng suất bình quân đạt 55 - 60 tạ/ha, chăn nuôi gia súc phát triển nên đời sống ngày càng no ấm. Do đó, bà con cũng sắm được nhiều lễ vật nên tết năm nay sẽ sung túc hơn những năm trước”

Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Du đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh thôn, thấy tôi muốn tìm hiểu về sự sạch đẹp của con đường bê-tông chạy dọc giữa thôn, anh Du giải thích: “Không phải gần đến Ramưwan đường làng ngõ xóm ở đây mới sạch sẽ thế này đâu, 5 năm trở lại đây đã thành nếp, các gia đình tự nguyện thực hiện nếp sống văn hóa cho nên trong nhà ngoài ngõ đều sạch, đẹp”.

Toàn xã Xuân Hải hiện có trên 16.000 dân, trong đó đồng bào Chăm ở các thôn An Nhơn, Phước Nhơn có 1.810 hộ, với 8.022 khẩu, chiếm 49,9%. Tuy đời sống của bà con chủ yếu làm nông, nhưng vài năm gần đây nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên đời sống của bà con đã chuyển biến đáng kể. Ngoài diện tích trồng lúa 350 ha, mỗi năm sản xuất 3 vụ, bà con còn có 400 ha đất màu để sản xuất các loại cây trồng như: nho, táo, thanh long ruột đỏ và rau màu các loại. Bên cạnh đó bà con còn phát triển chăn nuôi các loại gia súc có sừng như: bò, dê, cừu và với số lượng hiện có trên 5.000 con. Việc cơ giới hoá ở An Nhơn, Phước Nhơn cũng đang ngày càng phát triển, trước đây nếu sức kéo chủ yếu là trâu, bò thì nay bà con đã sắm được trên 15 chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp, đáp ứng tốt khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển, góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Điều đáng mừng nhất hiện nay ở các làng Chăm An Nhơn, Phước Nhơn đó là đời sống dù chưa hết khó khăn, nhưng ý thức được việc học của con em mình trên hết nên ai cũng đầu tư cho con ăn học. Theo anh Du cho biết: Ngoài 1.275 học sinh đang học từ tiểu học và THCS, thôn An Nhơn và Phước Nhơn còn có 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, trên 130 người đã tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư, bác sĩ đang công tác ở các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp và trên 220 em đang theo học từ trung cấp đến đại học tại các trường trên toàn quốc. Về xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, đến nay 4 thôn có trên 800 hộ được công nhận gia đình văn hoá; 100% gia đình đã có nhà xây và ngói hoá; trên 90% hộ được dùng nước sạch. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện các thôn An Nhơn và Phước Nhơn có 110 hộ được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình 134 và 30 hộ được xây dựng nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ.

Lần đầu đón Ramưwan trong căn nhà mới vừa được hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 167 của Chính phủ, anh Nguyễn Ngọc Thủy ở thôn An Nhơn xúc động nói: “Sống trong ngôi nhà tạm bợ đã nhiều năm, giờ có được ngôi nhà mới gia đình mừng không sao tả hết. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và bà con xóm giềng đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ...”.

Đồng chí Báo Ngọc Tính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã tâm sự: “Để bà con vui đón mùa Ramưwan 2011 với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, cấp uỷ, chính quyền xã Xuân Hải và Ban quản lý các thôn An Nhơn, Phước Nhơn đã quán triệt sâu kỹ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, nên người dân trong các thôn ai cũng ý thức việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương là điều cần thiết. Nhờ đó các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè... nay giảm hẳn. Nhân dân trong thôn cần cù lao động, cùng đoàn kết thương yêu nhau, góp sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp”.