(NTO) Ông Lê Văn Nhiên, một thương binh đã 71 tuổi đời, 45 tuổi Đảng sống trên vùng đồi cát khô cằn vùng Láng Hạt thuộc thôn Từ Tâm 2 (Phước Hải, Ninh Phước) . Rời quân ngũ năm 1983 với cấp bậc Thượng úy, trên mình vẫn còn những mảnh đạn chưa lấy ra, sức khỏe suy yếu nhưng bằng ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông đã khơi mạch nước ngầm, đào ao chứa nước biến vùng đồi hoang hóa ngày nào thành vườn cây, nương rẫy xanh tốt.
Thương binh Lê Văn Nhiên hướng dẫn xe xúc đào ao mới
Giữa tháng bảy, khi chúng tôi đến vùng đồi vẫn còn thấy ông đang tất bật hướng dẫn xe máy xúc đào móc thêm ao mới. Ông nói: “Đây là ao thứ 7 mà tôi đào có diện tích khoảng 1 sào, do vị trí trên dốc cao nó sẽ giữ được mạch nước mưa chảy đọng lại nên không phải sử dụng thường xuyên máy bơm tưới, hạn chế được tiêu hao nhiên liệu”. Lần theo chuyện kể của ông, chúng tôi mới hiểu được vùng đất này vốn là đất của dòng họ, cũng là nơi ông sinh ra, trưởng thành và đi làm cách mạng. Thời chiến tranh, nó bị lãng quên và trở thành nơi đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương giao đất cho dân nhưng không ai chịu nhận vì mảnh đất này vốn là đất “cà dang” bạc màu, không nước tưới. Thấy vậy ông đứng ra nhận lãnh canh tác mặc kệ những lời chê bai với suy nghĩ: “Đất sẽ không phụ người nếu mình biết cách khai thác đánh thức tiềm năng”. Sau khi nghỉ hưu, ông bắt tay vào việc khai khẩn và cho đào ao nước đầu tiên rộng khoảng 300 m2 tưới trồng trên diện tích 4 sào hành tím, vụ thu hoạch ấy đã đạt trên cả mong đợi. Thế là từ đó, có bao nhiêu vốn tích lũy ông đều đầu tư đào ao và mở rộng dần diện tích canh tác. Đến nay chỉ tính riêng ao nước đã chiếm diện tích 1 ha cung cấp nước tưới cho 4 ha đất sản xuất của ông bao gồm 2 ha rẫy trồng màu và 1 ha vườn cây ăn trái. Riêng với 1 ha ruộng lúa 3 vụ, ông bắc thêm đường ống dẫn dài chừng 1,5 Km bơm nước từ mương Nhật về để đủ tưới.
Đưa chúng tôi đi dạo dưới bóng những cây xoài rợp mát, ông Lê Văn Nhiên cười vui kể: “Khi thấy trên này làm ăn được, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên và hỏi tôi làm cách nào có thể trồng cả vườn cây xanh tốt như vậy. Đơn giản chỉ vì tôi từng là người lính cách mạng, luôn nhớ lời Bác Hồ dạy “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, huống chi chỉ là việc tìm ra nước ở nơi không có nước”. Nhờ vào việc “trị thủy”, vùng đất đồi đã đem lại thu nhập cho ông hằng năm tối thiểu hơn 100 triệu đồng. Ngay giữa vùng đồi, ông đã xây dựng cơ ngơi khang trang gồm ngôi nhà chính và nhà kho với tổng diện tích gần 200 m2 và sắm sửa đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt gia đình. Tận dụng lợi thế bóng râm cây trồng, ông nuôi hàng chục con gà thả vườn và ngỗng, làm chuồng nuôi heo, tăng thêm đáng kể thu nhập. Dưới các ao , ông thả nuôi các loại cá rô, tràu, trê, trắm cỏ, dù chưa đủ sản lượng để trở thành hàng hóa nhưng cũng đủ cung cấp cho bữa ăn gia đình. Ông dự định sắp đến nếu có vốn hoặc được cơ quan khuyến nông-khuyến ngư đầu tư, ông sẽ nuôi cá thương phẩm và xây dựng trại nuôi dông trên cát. Ông tâm sự: “Bây giờ dù tuổi đã cao và sức khỏe yếu dần, nhưng tôi sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng của vùng đồi cát này, khi làm không nổi nữa thì chỉ dẫn cho hai đứa con trai làm. Đó là niềm vui trong những ngày còn lại của cuộc đời một cựu chiến binh, bởi vì dẫu sao đây cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi”.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hải nói: “Ông Lê Văn Nhiên là một đối tượng chính sách điển hình, đã không dựa dẫm, ỷ lại sự ưu đãi của nhà nước để đòi hỏi này nọ, ông đã tự thân vươn lên, đáng phục nhất là đã cải tạo thành công vùng đồi cát mà ai cũng ngán ngại”. Ghi nhận sự nỗ lực của ông, năm 2008 và 2010, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tặng ông 2 Bằng khen về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, công tác và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bạch Thương