Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Để các sản phẩm OCOP phát triển ổn định, ngoài hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể, hướng dẫn quy trình, hồ sơ thủ tục để đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận, năm 2023 UBND huyện đã hỗ trợ 484 triệu đồng cho các chủ thể ứng dụng công nghệ, cải tiến máy móc, thiết bị để hoàn thiện quy trình sản xuất, hỗ trợ thiết kế bao bì, thông tin ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc... nhằm hoàn thiện và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với ngành chức năng quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP để các chủ thể tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH sản xuất và thương mại nông sản Thái Thuận khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Là đơn vị góp mặt từ những ngày đầu của chương trình OCOP với rất nhiều sản phẩm gắn với cây táo và nho, ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận (xã Nhơn Sơn) chia sẻ: Hiện nay công ty có 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, gồm: Nho đỏ, nho xanh, táo tươi, nước cốt nho, nước cốt táo, rượu vang nho, rượu Brandy. Việc phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu đang góp phần hỗ trợ rất lớn cho công ty tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ địa phương trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đây là chương trình hiệu quả mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên theo đuổi để có hướng phát triển bền vững.
Đồng quan điểm về hiệu quả của chương trình OCOP mang lại, ông Nguyễn Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thảo dược LKVN (xã Quảng Sơn) cho biết: Chương trình OCOP có tác động rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển và hội nhập. Hiện nay, công ty đang trồng 300ha cây đinh lăng và một số cây dược liệu khác tại xã Quảng Sơn, đầu tư nhà máy chế biến với các sản phẩm đặc trưng từ cây dược liệu như nước uống đóng chai, trà túi lọc đinh lăng, trà khổ qua rừng. Công ty có 3 sản phẩm OCOP 3 sao, điều này có ý nghĩa rất lớn, qua đó góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm và chỗ đứng vững chắc của công ty trên thị trường. Để nâng cao sản phẩm sau thu hoạch, công ty sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến dược liệu quy mô 1,4ha tại Cụm công nghiệp Quảng Sơn, đồng thời thực hiện liên kết với các tổ chức, cá nhân, nông hộ trên địa bàn mở rộng diện tích vùng trồng nguyên liệu lên 500ha kết hợp tham quan du lịch, nhằm giúp đảm bảo được vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Năm 2023, toàn huyện Ninh Sơn có 28 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, gồm: Yến sào, dưa lưới, táo, nho, thịt bò, thịt dê, thịt cừu và các sản phẩm chế biến từ táo, nho, đinh lăng, trong đó có 17 sản phẩm mới của 10 chủ thể. Đến nay, Ninh Sơn đã có 29 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao và 9 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh. Để từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tạo nên sức bật mới nhằm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, năm 2024 huyện bố trí nguồn kinh phí 500 triệu đồng để tiếp tục phát triển thêm từ 10-15 sản phẩm OCOP. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP để lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt, hỗ trợ tư vấn hơn nữa để các doanh nghiệp hiểu biết về giá trị của sản phẩm, hướng đến sản xuất sản phẩm có trách nhiệm với cộng đồng. Tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cũng như tiếp tục hỗ trợ cho các chủ thể về hồ sơ, thủ tục và các vấn đề liên quan để giúp các chủ thể tự tin hơn khi tham gia chương trình OCOP.
Anh Thi