Đối với nhiệm vụ tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp CNC được huyện Bác Ái quan tâm đầu tư đồng bộ. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn gồm 5 hồ chứa nước, tổng dung tích 301,56 triệu m3 và một số đập dâng nhỏ có năng suất tưới thiết kế trên 5.000ha. Huyện tổ chức rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tích hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đồng bộ, phù hợp với điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng thiết yếu, liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã quy hoạch vùng nông nghiệp CNC tại xã Phước Tiến. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện khảo sát xây dựng vùng trồng dược liệu CNC tại xã Phước Tiến với quy mô 30ha; quy hoạch địa điểm triển khai xây dựng nhà xưởng sơ chế, chế biến, bảo quản dược liệu tại xã Phước Đại với diện tích 5ha.
Mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao tại huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên
Nhiệm vụ nghiên cứu, lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất cũng được tập trung thực hiện. Huyện linh động lồng ghép hiệu quả các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, trang trại ứng dụng nông nghiệp CNC; khuyến khích nghiên cứu, chọn tạo và phục tráng các giống cây, con bản địa. Cụ thể, Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô giống chuối, lan rừng. Triển khai thực hiện đề tài khoa học “Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm quế linh chi có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Phước Bình”. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh với đề tài “Phục tráng và phát triển giống bắp nếp địa phương của huyện Bác Ái”. Thực hiện Đề án cánh đồng lớn trồng lúa xã Phước Chính quy mô 100ha, ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các nhà khoa học thuộc các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, khảo nghiệm các giống cây trồng bản địa có tiềm năng về chất lượng sản phẩm, có khả năng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng để phục tráng, nhân rộng đưa vào sản xuất như: Nhóm cây họ đậu, bắp nếp, các cây dược liệu, heo bản địa, gà địa phương,...
Riêng nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển chế biến; liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết quả đáng kể là huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP. Qua đánh giá, phân loại xếp hạng sản phẩm đến cuối năm 2022 toàn huyện có 6 sản phẩm OCOP/5 chủ thể được công nhận đạt chuẩn đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: Rượu chuối mồ côi, bưởi da xanh, hạt chuối cô đơn, dưa lưới SunFarm, hạt điều Chapi, gạo Phước Chính. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng; chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng, sử dụng hiệu quả công nghệ số, hệ thống truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Hỗ trợ thực hiện 7 dự án liên kết sản xuất chuỗi giá trị lúa gạo, mì, điều, chuối mốc, bò vàng, heo bản địa và dược liệu. Đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 27 mô hình ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động trên các loại cây ăn trái và cỏ chăn nuôi; 7 mô hình sản xuất lan, dưa lưới trong nhà lưới, nhà màng; sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình trồng lan tại xã Phước Tiến (Bác Ái). Ảnh: T.X
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, thời gian tới, Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở đánh giá kết quả mô hình sản xuất tại cánh đồng mẫu lớn xã Phước Chính, mô hình cây ăn quả tại xã Phước Bình,... huyện sẽ mở rộng quy mô sản xuất và nghiên cứu cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tập trung tại vùng tưới hồ Sông Cái, Sông Sắt, Trà Co. Khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi thu hút các tổ chức, nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ ở địa bàn, nhất là việc tuyển chọn, chuyển giao giống cây trồng, giống vật nuôi vào sản xuất. Thu hút DN, hợp tác xã đầu tư sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn ứng dụng CNC. Củng cố phát triển các hình thức liên kết giữa các DN trong chuỗi giá trị hàng hóa; mở các lớp đào tạo, tập huấn chương trình quản lý về dịch hại tổng họp (IPM), chương trình quản lý cây trồng hỗn hợp (ICM), hỗ trợ các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện có ít nhất 1 vùng đáp ứng các điều kiện, tiêu chí công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên 100ha; hỗ trợ hình thành ít nhất 1 DN nông nghiệp trên địa bàn huyện được công nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC; có 3-5 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả.
Anh Tùng