Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Trong quá trình hoạt động, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh thường xuyên tham mưu đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; cùng với đó, chỉ đạo hệ thống phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các cấp tích cực phối hợp, tham mưu trình HĐND các cấp bố trí NSĐP ủy thác sang ngân hàng, giúp bổ sung năng lực tài chính, chủ động hơn trong triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Đáng ghi nhận, sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, vốn NSĐP ủy thác sang Ngân hàng CSXH hằng năm đều hoàn thành kế hoạch giao hằng năm. Trong năm 2023, vốn ủy thác NSĐP đạt 20 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch, nâng tổng nguồn vốn ủy thác đến nay đạt 106,7 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh 81,45 tỷ đồng, ngân sách các huyện, thành phố 24,32 tỷ đồng và vốn của Tỉnh đoàn 447 triệu đồng. Từ nguồn vốn bổ sung, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, UBND các xã phối hợp với ngân hàng tổ chức xét duyệt đối tượng vay vốn đảm bảo đúng quy định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo chỉ tiêu được giao; nhờ đó, các chương trình cho vay được thực hiện liên tục, ổn định, với tổng dư nợ hiện đạt trên 3.376 tỷ đồng, với hơn 80.100 lượt khách hàng vay vốn.
Nông dân huyện Thuận Bắc phát triển mô hình kinh tế từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi.
Cùng với thực hiện tốt chương trình cho vay, việc gắn kết tín dụng CSXH với các hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật được quan tâm, chú trọng. Đa số hộ vay vốn đều có chuyển biến trong nhận thức, sử dụng vốn đúng mục đích. Điển hình như hộ anh Dương Quang Sang, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc), sau khi được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, anh đầu tư chuồng trại, trồng 2 sào cỏ để nuôi 7 con bò, 40 con dê. Thu nhập từ chăn nuôi, giúp cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể, con cái ăn học đàng hoàng. Theo đánh giá, ngoài những kết quả đạt được, nhu cầu tiếp cận vốn vay để làm ăn phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm của các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh hiện còn rất lớn; tuy nhiên, số dư nguồn vốn ủy thác của địa phương qua chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh còn thấp, chỉ chiếm 3,1%/tổng nguồn vốn.
Ông Lê Minh Lộc, cho biết thêm: Để góp phần hoàn thành kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đề ra đến năm 2025, vốn NSĐP ủy thác đạt từ 6-8% so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp tham mưu bố trí nguồn vốn NSĐP ủy thác sang Ngân hàng CSXH đảm bảo theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, chú trọng phối hợp các địa phương nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn để nhanh chóng đưa vốn đến đối tượng thụ hưởng. Qua đó, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Hồng Lâm