Trong chuyến công tác về huyện Bác Ái vào trung tuần tháng 12 vừa qua, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các chị em trong nhóm tộc họ Pi Năng ở thôn Châu Đắc, xã Phước Đại gặt lúa bằng hình thức VĐC diễn ra nhộn nhịp với tiếng nói, cười rộn rã trên đồng ruộng. Chị Pi Năng Thị Tuyết ở thôn Châu Đắc, tâm sự: Vụ mùa năm nay gia đình tôi canh tác gần 3 sào lúa giống TH, do khu vực này đường hẹp, máy móc cơ giới vào không được nên các thành viên tổ VĐC trong tộc họ giúp nhau từ các khâu như: Cấy dặm, làm cỏ đến thu hoạch, nhờ vậy đã giúp giải quyết được việc tìm công làm và giảm chi phí trong sản xuất.
Nhóm phụ nữ tộc họ Pi Năng ở thôn Châu Đắc, xã Phước Đại giúp nhau gặt lúa vụ mùa. Ảnh: Kha Hân
Vụ lúa này gia đình thu hoạch ước đạt trên 5 tạ/sào, hiện giá lúa tăng cao từ 9.000 đến 9.500 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi, có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống. Cùng chung niềm vui, chị Pi Năng Thị Phén, thành viên trong tổ VĐC của tộc họ Pi Năng ở thôn Châu Đắc, chia sẻ: Khu vực gia đình tôi sản xuất có khoảng 12 ha đất trồng lúa, những năm qua, việc giúp nhau ngày công lao động được các thành viên trong tổ thực hiện thường xuyên. Các chị em thường tập trung giúp đỡ qua lại lẫn nhau các công việc như: Làm cỏ, bón phân, thu hoạch lúa, bắp, hạt điều... Để chủ động trong công việc, các chị em lên kế hoạch việc nào nên làm trước, việc nào làm sau nên VĐC diễn ra thuận lợi. Nhờ vậy mà công việc hoàn thành kịp thời gian, thời vụ, giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng thu nhập cho các thành viên trong tổ.
Thời gian qua, mô hình VĐC ở huyện miền núi Bác Ái ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng từ các nhóm tộc họ, tổ dân cư, đến hội phụ nữ ở các thôn, các xã... Mô hình không chỉ giúp người dân hỗ trợ nhau ngày công lao động, sản xuất, mà còn giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.
Nông dân huyện Bác Ái thu hoạch lúa vụ mùa.
Bà Chamaléa Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bác Ái, cho biết: Mô hình VĐC là một trong những mô hình tôn lên nét đẹp văn hóa “nghĩa tình” của con người ở huyện miền núi Bác Ái, đây là mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả không chỉ giúp người dân hỗ trợ nhau ngày công lao động, sản xuất, mà còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bác Ái tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình nhằm giúp bà con giải quyết công lao động ở địa phương và giúp giảm bớt chi phí trong sản xuất. Bên cạnh đó, khai thác tốt các nguồn vốn và hướng dẫn phụ nữ sử dụng vốn có hiệu quả. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giới thiệu việc làm… giúp hội viên phụ nữ nâng cao mức sống, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Kha Hân