Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), thời gian qua, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường... Nhờ vậy, nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng Việt của người dân trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi, hàng Việt được người tiêu dùng (NTD) tin tưởng, ưa chuộng, lựa chọn nhiều hơn.
Thông qua CVĐ, các đơn vị, tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình và các tầng lớp nhân dân có sự thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, tin tưởng lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bản thân và trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố phát triển khá sôi động, thị trường lưu thông các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; nhiều DN tổ chức các hoạt động khuyến mãi trong các dịp lễ, Tết đã tác động làm doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, địa phương quan tâm kích cầu du lịch nội địa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, trong năm 2023, số lượt khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố đạt 2,645 triệu lượt khách, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế ước đạt 25.880 lượt khách; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 1.950 tỷ đồng, góp phần vào thúc đẩy kinh tế- xã hội thành phố phát triển. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ trong năm đạt 8.569,5 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ, đạt 100,8% chỉ tiêu đề ra, chiếm 62,3% trong cơ cấu kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 29.026,9 tỷ đồng, tăng 12,28% so cùng kỳ.
Sản phẩm OCOP của nông dân Tp. Phan Rang - Tháp Chàm được giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: V.Nỷ
Các biện pháp quản lý, bình ổn giá thị trường được kiểm soát bằng các chương trình bình ổn giá và hỗ trợ cho các DN “Đưa hàng Việt về nông thôn” phục vụ nhân dân, khuyến khích NTD tích cực hưởng ứng CVĐ, lưu thông hàng hóa, phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. BCĐ quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, thành phố công nhận 36 sản phẩm 3 sao, đề nghị tỉnh công nhận 4 sản phẩm 4 sao; trong đó có 11 sản phẩm đánh giá lại. Tổng sản phẩm OCOP thành phố hiện nay là 73 sản phẩm.
Phát huy các kết quả đạt được, năm 2024, BCĐ CVĐ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng vận động định hướng NTD thành phố biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các DN Việt Nam; tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì, phát huy các lợi thế của nền tảng mạng xã hội để xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ về CVĐ. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường. Hỗ trợ xây dựng mới và duy trì các điểm giới thiệu hàng Việt, các sản phẩm OCOP, an toàn thực phẩm của thành phố và bảo vệ quyền lợi của NTD. Hỗ trợ các hoạt động “khởi nghiệp” của thanh niên, phụ nữ; có giải pháp nâng tỷ lệ hàng OCOP vào các siêu thị. Tiếp tục triển khai bình ổn thị trường, duy trì phát triển thương mại điện tử và các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng,... để đảm bảo chất lượng hàng Việt. Lồng ghép các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt, các sản phẩm, hàng hóa đặc thù, chất lượng cao của thành phố và tỉnh trong các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch. Tăng cường công tác quản lý thị trường; công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Xuân Bính