Trên những cánh đồng của xã Lợi Hải trong những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí lao động khẩn trương, bà con tranh thủ làm đất xuống giống cây trồng. Anh Nguyễn Thành Hiền, thôn Ấn Đạt chia sẻ: Mấy vụ gần đây giá lúa tăng cao cộng với giá cả vật tư phân bón giảm, người trồng lúa đều có lãi nên rất phấn khởi. Với 4 sào lúa vụ đông - xuân, gia đình đã xuống giống trên 60% diện tích. Trước đó, tôi đã vệ sinh kỹ mặt ruộng, chuẩn bị đầy đủ giống TH6 và tập trung gieo sạ đảm bảo khung lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng... So với các địa phương khác trên địa bàn huyện, xã Lợi Hải có diện tích gieo trồng lớn, với 1.214ha lúa và 211ha cây màu. Trong công tác chỉ đạo sản xuất vụ đông - xuân 2023-2024 xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân nạo vét kênh mương nội đồng, chủ động trong khâu làm đất, tổ chức xuống giống đồng loạt để tránh tình trạng sâu bệnh gây hại và thuận lợi trong việc điều tiết nước.
Nông dân xã Lợi Hải xuống giống cây trồng vụ đông-xuân 2023-2024.
Theo kế hoạch, vụ đông - xuân 2023-2024 toàn huyện gieo trồng 3.657ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa 2.929ha, còn lại là diện tích cây màu. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được huyện triển khai như tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, khuyến cáo sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, giống ngắn ngày chống chịu sâu bệnh tốt cho năng suất cao. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Cơ cấu giống đưa vào sản xuất được huyện lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với từng vùng và từng loại đất canh tác. Để đảm bảo lịch mùa vụ, phòng đã triển khai kế hoạch cụ thể đến từng địa bàn 6 xã, khuyến cáo bà con xuống giống tập trung cho lúa đại trà trổ từ tháng 2-3 và thu hoạch dứt điểm vào giữa 4/2024.
Rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất trong những vụ trước đây, ở những khu vực trồng lúa xa nguồn nước, vùng đất trống, huyện Thuận Bắc vận động người dân chủ động lựa chọn cây trồng cạn, tiết kiệm nước để trồng thay thế, tránh tình trạng bỏ hoang đất. Theo đó, trong vụ đông - xuân 2023-2024 toàn huyện thực hiện chuyển đổi 44,2ha sang cây trồng ngắn ngày, tập trung nhiều ở các xã: Lợi Hải, Công Hải và Bắc Sơn. Tùy theo điều kiện cụ thể và chủng loại cây trồng để có phương án gieo trồng phù hợp, gắn liên kết với doanh nghiệp và các hợp tác xã trên địa bàn tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Cùng với các biện pháp chỉ đạo kỹ thuật, huyện còn giao ngành chức năng làm tốt công tác dự báo mức độ sinh vật gây hại trên các loại cây trồng để sử dụng các loại thuốc đặc hiệu phòng trừ hiệu quả cũng như xây dựng phương án điều tiết nước xuyên suốt mùa vụ, đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Bên cạnh đó, để người dân yên tâm sản xuất, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp trên địa bàn được quan tâm, chú trọng. Từ những giải pháp chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự chủ động của nông dân địa phương, hy vọng vụ đông - xuân 2023-2024 sẽ đạt kết quả cao.
Hồng Lâm