Trường THPT Trường Chinh tổ chức ký cam kết không để cán bộ, nhân viên và học sinh nhà trường
có các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Công an huyện Ninh Sơn, cho biết: Ninh Sơn là huyện miền núi, địa bàn có diện tích đồi núi rộng, người dân vẫn còn thói quen lưu giữ và sử dụng súng, dao, nỏ tự chế để làm rẫy, săn bắn, mưu sinh. Số lượng vũ khí này đều do người dân tự chế, tuy thô sơ nhưng vẫn có tính sát thương cao. Bên cạnh đó, một số người dân đã đặt mua linh kiện vũ khí trên mạng xã hội về tự lắp ráp theo hướng dẫn và một số thanh thiếu niên, học sinh tự nghiên cứu, mua hóa chất và các dụng cụ để chế tạo, sản xuất pháo... Đặc biệt, lợi dụng nhận thức pháp luật của người dân miền núi còn hạn chế, một số đối tượng đã mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại VKVLNCCHT và pháo làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT.
Nhằm siết chặt công tác quản lý, vận động toàn dân giao nộp VKVLNCCHT và pháo, Công an huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo. Đồng thời, phối hợp với các hội, đoàn thể, trường học, người có uy tín, già làng phát huy vai trò của các mô hình tự quản về ANTT trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng VKVLNCCHT và pháo cũng như những tác hại của việc tàng trữ, mua bán vũ khí trái phép; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm để thu giữ các loại vũ khí nguy hiểm. Mặt khác, chỉ đạo công an các xã, thị trấn tăng cường bám địa bàn; khuyến khích đề ra các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động người dân giao nộp VKVLNCCHT và pháo phù hợp với từng địa bàn cụ thể, nhắm vào các địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm; rà soát 60 cơ sở kinh doanh, cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn và làm việc với 3 trường THPT trên địa bàn (THPT Trường Chinh, THPT Nguyễn Du, THPT Lê Duẩn) ký cam kết không vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, tàng trữ VKVLNCCHT và pháo trái phép.
Điển hình tại xã Ma Nới, với hơn 98% người dân tộc Raglai sinh sống. Theo tập quán, đa số bà con sinh sống, trồng trọt, chăn nuôi tại các nhà rẫy trong rừng sâu, trên sườn núi cao nên đã tự chế súng, dao làm rẫy, săn bắn. Để ngăn ngừa từ xa hiểm họa do việc tàng trữ vũ khí gây ra, Công an xã duy trì thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, tích cực phối hợp với các già làng, người có uy tín “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vào trong các rẫy của bà con để cùng tuyên truyền, vận động. Thiếu tá Katơr Vượng, Trưởng Công an xã Ma Nới, cho biết: Qua nắm bắt nhu cầu của nhân dân, nhằm động viên, khuyến khích bà con hưởng ứng tự giác giao nộp VKVLNCCHT và pháo, Công an xã còn vận động xã hội hóa thực hiện chương trình đổi VKVLNCCHT và pháo nhận quà. Với cách làm này, cùng công tác tuyên truyền, vận động, nhiều người dân đã tự nguyện đưa các loại vũ khí đến công an giao nộp.
Anh Katơr Tưng, thôn Gia Rót, một trong số người dân đã đến trụ sở Công an xã giao nộp 1 khẩu súng tự chế cho biết: Khẩu súng này tôi mua linh kiện trên mạng về nhà tự chế chỉ dùng để bắn chim, chuột. Được cán bộ với già làng đến nhà tuyên truyền và cho xem những hình ảnh thực tế, vụ án do súng tự chế gây ra, tôi nhận thấy cất giữ súng trong nhà là rất nguy hiểm, sai quy định pháp luật nên đã tự nguyện giao nộp và nhận suất quà gồm các nhu yếu phẩm hằng ngày, cam kết không sử dụng súng tự chế nữa. Cũng như anh Tưng, trước đây, anh Tà Yên Thiết, thôn Gia Rót cất giấu một khẩu súng tự chế để săn bắn. Từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, Công an xã đã phối hợp với người có uy tín trong thôn lên tận rẫy tuyên truyền, vận động anh giao nộp vũ khí. Anh Thiết cho biết: Súng này ngày xưa tôi mày mò và tự chế để săn bắn, ngày nay không dùng nữa và cất giữ nó ở trong nhà gần chục năm nay rồi. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, hiểu được sự nguy hiểm khi để súng ở nhà tôi đã tự nguyện giao nộp, vừa chấp hành quy định của pháp luật, vừa nhận được quà.
Với việc chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, cùng cách làm năng động, sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng VKVLNCCHT và pháo của nhân dân trên địa bàn được nâng lên. Trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Công an huyện đã vận động nhân dân tự giác giao nộp 63 vũ khí, công cụ hỗ trợ các loại (3 súng hơi, 6 súng tự chế bắn đạn sắt sử dụng hơi cồn, 21 viên đạn AR15, 17 viên đạn Carbine, 1 côn nhị khúc, 1 nỏ gỗ, 14 vũ khí thô sơ); vận động thu hồi 18 đầu đạn các loại (2 đầu đạn pháo 105mm, 3 đạn cối 82mm, 1 đạn cối 81mm,12 đạn B40). Đấu tranh xử lý 17 vụ/17 đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép VKVLNCCHT và pháo; khởi tố 2 vụ/2 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ/15 đối tượng với số tiền trên 80 triệu đồng. Thượng tá Nguyễn Ngọc Hùng, cho biết thêm: Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quản lý, thu hồi VKVLNCCHT và pháo, thời gian tới, Công an huyện tiếp tục chú trọng đổi mới, đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động người dân. Triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện ngăn chặn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm quản lý địa bàn, đối tượng liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật về VKVLNCCHT và pháo; tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý, sử dụng VKVLNCCHT và pháo của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Kim Thùy