Huyện Thuận Nam có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 12.000 ha, sản xuất trên địa bàn luôn gặp khó khăn do nắng hạn, không chủ động được nước tưới. Từ thực tế trên, huyện đã đề ra giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển, trong đó chỉ đạo các xã tập trung vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu khô hạn, lựa chọn các loại cây trồng có tiềm năng đưa vào sản xuất. Qua đó, nhiều diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, thiếu nước được nông dân chuyển sang trồng CAQ có giá trị kinh tế cao, như: Mãng cầu, mít, bưởi da xanh, thanh long...
Nông dân xã Nhị Hà trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Võ Trương Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, cho biết: Để đưa nông nghiệp phát triển, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng các mô hình hiệu quả; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng diện tích CAQ. Qua thực tế sản xuất, CAQ đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn mãng cầu, anh Nguyễn Văn Quý, thôn Nhị Hà 1 cho biết: Trước đây, 6 sào đất của gia đình chủ yếu trồng bắp, đậu, đu đủ, năng suất thấp, thu nhập không ổn định. Năm 2018, gia đình tôi đã đầu tư trồng mãng cầu. Nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật nên mãng cầu phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 5-7 tấn/vụ, thương lái thu mua với giá 20.000-30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Không riêng gì anh Quý, ở Nhị Hà còn nhiều hộ trồng CAQ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền địa phương, anh Bùi Ngọc Minh cũng đã trồng 1,1 ha bưởi da xanh, cam, mít, ổi cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng hoa màu trước đây.
Việc đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian qua trên địa bàn huyện Thuận Nam đạt được những kết quả nhất định, diện tích CAQ ngày càng được mở rộng. Đến nay, huyện đã hình thành được vùng trồng CAQ quy mô tập trung với diện tích trên 350 ha. Ông Lê Khưu Khắc Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, Phòng tham mưu UBND huyện chỉ đạo rà soát, quy hoạch vùng CAQ tập trung; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân; tổ chức hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, xây dựng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất CAQ theo hướng VietGAP; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tiến Mạnh