Kế hoạch đề ra mục tiêu: Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, phấn đấu trong quý IV giá trị gia tăng đạt 1.349 tỷ đồng, tăng 4,02%; cả năm 2023 đạt 6.985 tỷ đồng, tăng 4,25%, đóng góp tăng 1,21% vào GRDP. Ngành công nghiệp (CN) - xây dựng phấn đấu trong quý IV giá trị gia tăng đạt 2.218 tỷ đồng, tăng 23,15%; cả năm đạt 8.857 tỷ đồng, tăng 16,68%, đóng góp tăng trưởng 5,38% vào GRDP. Ngành dịch vụ phấn đấu trong quý IV giá trị gia tăng đạt 2.539 tỷ đồng, tăng 11,75%; cả năm đạt 8.716 tỷ đồng, tăng khoảng 9%, đóng góp tăng trưởng 3,06% vào GRDP. Thuế sản phẩm trong quý IV đạt giá trị gia tăng 419 tỷ đồng, tăng 22,31%, nâng cả năm 2023 đạt 1.311 tỷ đồng, tăng 7%, đóng góp tăng trưởng 0,36% vào GRDP.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, cách làm, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hành động quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, trọng tâm là rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp, còn khó khăn để có giải pháp tập trung triển khai thực hiện nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được xác định tại nghị quyết kế hoạch năm 2023 của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Tập trung thúc đẩy đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư, các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp, các nguồn vốn nước ngoài, các dự án (DA) quy mô lớn, như: DA môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu DA Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, DA đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh, DA đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng...
VietinBank Ninh Thuận giải ngân vốn vay cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Phan Bình
Kịp thời tham mưu UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan giải quyết, tháo gỡ các khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các DA khu đô thị mới, như: Khu đô thị bờ Sông Dinh, Khu đô thị Đầm Cà Ná, Khu đô thị Phủ Hà. Tập trung rà soát, tham mưu xử lý các DA du lịch trọng điểm chậm tiến độ, kiên quyết thu hồi một số DA vi phạm tiến độ sử dụng đất, nhà đầu tư thiếu tâm huyết, thiếu năng lực để DA kéo dài, trong đó xử lý 3 DA du lịch chậm tiến độ là: DA Resort spa nho - trang trại trồng nho - nhà máy rượu vang nho của Công ty Cổ phần Smart Asgard Việt Nam; DA Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòn Đỏ; DA Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần tập trung đột phá trong các ngành dịch vụ, du lịch, chuyển đổi số. Tận dụng các ưu đãi về thuế của FTA để tìm kiếm thị trường và đối tác; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với hai mặt hàng chủ lực chế biến tôm đông lạnh và hạt điều. Xây dựng các giải pháp khai thác hiệu quả các chương trình du lịch mới, trọng tâm triển khai Đề án tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Tiếp tục khai thác có hiệu quả bến 1A Cảng tổng hợp Cà Ná gắn với huy động tối đa lượng hàng hóa qua cảng từ các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ. Kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná (giai đoạn 2). Tham mưu triển khai lập quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn và Đề án xã hội hóa khai thác Cảng hàng không Thành Sơn. Đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Đối với lĩnh vực CN năng lượng và CN chế biến chế tạo, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm CN. Trong đó, giao Sở Công Thương tập trung theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường các DA hạ tầng cụm CN, để sớm khởi công xây dựng DA Cụm CN Hiếu Thiện, Phước Tiến, Phước Minh 1 và Phước Minh 2. Tổ chức tiếp nhận hạ tầng Cụm CN Quảng Sơn; đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư thứ cấp vào các các khu, cụm CN; xây dựng và trình phê duyệt giá thuê hạ tầng kỹ thuật Cụm CN Quảng Sơn. Theo dõi tiến độ triển khai một số DA thứ cấp tại các Cụm CN Tháp Chàm, Quảng Sơn để hỗ trợ kịp thời các thủ tục khi nhà đầu tư có khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất một số sản phẩm CN chế biến, chế tạo quy mô lớn, phấn đấu đạt sản lượng: Xi măng 150 nghìn tấn; gạch nung 70 triệu viên; tôm đông lạnh 15.000 tấn; may mặc 5,3 triệu sản phẩm; bia 43 triệu lít...
Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt sản xuất nha đam. Ảnh: V.Nỷ
Phối hợp với Ban Quản lý các khu CN đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành đưa vào sản xuất các DA trong Khu CN Du Long, Phước Nam, Thành Hải, gồm: Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Innoflow Korea với quy mô 10 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy may Hoàng Thành Đô Lương (giai đoạn I) với quy mô 12 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy sản xuất gỗ ván CN, gỗ ván sàn và các phụ kiện về gỗ với quy mô 200 nghìn sản phẩm/năm. Nhà máy chế biến các sản phẩm măng tây với quy mô 2,1 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy sản xuất chế biến cát xây dựng với quy mô 60 nghìn m3. Nhà máy sản xuất dầu mỡ bôi trơn với quy mô 9.500 tấn sản phẩm/năm... Tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc thi công đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm để sớm đấu nối phát điện các DA năng lượng (trong đó - DA điện mặt trời Thiên Tân 1.4 đã hoàn thành), phát điện trong tháng 10/2023. Theo dõi và đôn đốc tiến độ triển khai DA điện mặt trời Phước Thải 2 và 3, hoàn thành đúng tiến độ nhằm tạo năng lực mới tăng thêm.
Để duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp, thủy sản, các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo có hiệu quả sản xuất vụ mùa, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện từng vùng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị, hiệu quả, đảm bảo đến cuối năm đạt 1.300 ha. Nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao hiệu quả và giá trị đàn gia súc, gia cầm. Tiếp tục phát huy thương hiệu tôm giống, mở rộng thị trường để nâng cao sản lượng sản xuất giống cả năm đạt 41 tỷ con...
Song song đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trên tinh thần phát huy trách nhiệm, kiên trì, đổi mới cách làm, xử lý dứt điểm, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nâng chất lượng giáo dục đào tạo, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy và an toàn giao thông. Tập trung tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án phục vụ các kỳ họp Tỉnh ủy và HĐND tỉnh cuối năm, với quyết tâm nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 từ 10-11% theo Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 6/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã đề ra.
Văn Thanh