Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần nâng cao đời sống người dân

Trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi, góp phần tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Với mục tiêu phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện tốt vai trò tín dụng chính sách xã hội, gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tập trung huy động nguồn lực từ trung ương và địa phương để thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay tín dụng đảm bảo theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Chi nhánh tập trung giải ngân các chương trình tín dụng đạt 836,2 tỷ đồng/21.595 lượt hộ vay vốn, nâng tổng dư nợ đạt trên 3.227 tỷ đồng, với hơn 78.700 khách hàng/101.352 món vay còn dư nợ, tăng gần 292 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, dư nợ nguồn vốn trung ương 3.129,2 tỷ đồng, dư nợ nguồn vốn địa phương đạt 98 tỷ đồng.

Nông dân huyện Thuận Bắc đầu tư mô hình kinh tế từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đến thăm gia đình anh Mang Đen, thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn là gương điển hình sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả. Năm 2019, gia đình anh được Hội Nông dân xã xét duyệt cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH để làm chuồng trại nuôi 5 con dê sinh sản. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đàn dê tăng nhanh, mỗi lần xuất bán đều cho lãi cao. Sau thời gian làm ăn tích cóp được một số vốn, anh chủ động cải tạo đất trồng gần 2 sào hành lá, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 70 triệu đồng, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ba, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đơn vị luôn chú trọng công tác bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng và sử dụng vốn có hiệu quả; nhờ đó, phong trào phát triển sản xuất của các hộ gia đình không ngừng lan tỏa, xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập cao. Hiện nay, toàn huyện Thuận Bắc có trên 10.510 khách hàng vay vốn, với dư nợ hơn 392 tỷ đồng.

Nhằm chuyển tải kịp thời vốn đến người dân, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động phối hợp với hệ thống phòng giao dịch các huyện, thành phố củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lương Tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện có hiệu quả việc giao dịch tại 65 điểm giao dịch tại xã vào ngày cố định hằng tháng, giúp cho quá trình giải ngân vốn, trả nợ, gửi tiền thuận lợi, nhanh chóng. Song song đó, công tác triển khai chính sách tín dụng còn được thể hiện thông qua phương thức đầu tư tập trung, ưu tiên cho các chương trình chuyển đổi kinh tế, thâm canh cây trồng, vật nuôi. Các hộ sau khi được vay vốn được chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích, kết hợp với các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, từ đó hình thành các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, đưa nguồn vốn phát huy đúng mục đích.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp tập trung rà soát đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội để xây dựng kế hoạch phù hợp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình cho vay. Tích cực tham mưu UBND tỉnh và các huyện cân đối ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, huy động vốn từ các tổ chức cá nhân bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời để chấn chỉnh những sai sót phát sinh. Đẩy mạnh tuyên truyền hộ vay về quyền lợi, trách nhiệm khi vay vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.