* Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, trong năm 2023, tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh là 1.286,55 ha/ 103 dự án (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 17 dự án/30,955 ha; huyện Ninh Phước 7 dự án/5,96 ha; Thuận Nam 16 dự án/277,61 ha; Thuận Bắc 10 dự án/24,45 ha; Ninh Hải 16 dự án/61,25 ha; Ninh Sơn 23 dự án/721,06 ha; Bác Ái 14 dự án/165,262 ha). Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng trình tự thủ tục quy định; quyền lợi của người sử dụng đất bị thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng được bảo đảm. Diện tích thu hồi lớn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng nên các dự án năng lượng tái tạo trên điạ bàn huyện Thuận Nam được triển khai thuận lợi. Ảnh: Văn Nỷ
Việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện đúng trình tự và tuân thủ theo quy định của pháp luật kể từ khi ban hành thông báo thu hồi đất đến khi chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, trong đó việc tổ chức lấy ý kiến người bị thu hồi đất về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khâu bắt buộc để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan của các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
* Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/01/2022 về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; nâng cao thu nhập cho người dân. Từ năm 2022 đến nay, đã bố trí, phân bổ 612,18 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…
Đồng bào Chăm ở Phước Nam (Thuận Nam) bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Văn Nỷ
Qua đó, sản xuất ngày càng phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, người dân từng bước áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
* Ngày 27/10, UBND phường Đông Hải phối hợp với Ban Quản lý khai thác các cảng cá và Đồn Biên phòng Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực cảng cá.
Các lực lượng ra quân tổng dọn vệ sinh khu vực cầu Tân Thành. Ảnh: P.N
Sau phát động, có trên 150 đoàn viên - thanh niên thuộc các tổ chức, đơn vị, lực lượng dân quân, biên phòng cùng nhân dân địa phương tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác thải khu vực mặt kè sông thuộc khu phố 5 và khu phố 10; triển khai công tác tuyên truyền, ký cam kết vệ sinh môi trường với các hộ dân, chủ các phương tiện tàu thuyền, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời ra quân kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, đổ rác thải không đúng nơi quy định trên mặt sông, cảng cá.
Xuân Bính