Hiện nay, chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng dịch vụ của ngân hàng, cộng với số dư trong tài khoản là người dùng có thể thực hiện hoặc thanh toán được rất nhiều dịch vụ có liên quan đến tài chính như: Chuyển tiền, thanh toán vé máy bay, đặt tour du lịch, mua hàng, gửi tiết kiệm... Trên thực tế, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking... đã trở thành thói quen của nhiều người trên địa bàn tỉnh ta, nhất là sau đại dịch COVID-19. Bởi trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động bị gián đoạn, để việc giao dịch, mua sắm không bị ảnh hưởng, người dân đã thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt qua thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số. Qua đó, người dân đã thấy rõ lợi ích thiết thực của việc thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số và tạo thành thói quen sử dụng hình thức thanh toán này trong giao dịch hằng ngày. Trong đó, phổ biến nhất là thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, chi trả viện phí.
Quản lý và bán điện cho hơn 191.000 khách hàng sử dụng điện, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã phối hợp với các nhà mạng và hệ thống ngân hàng cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giúp khách hàng không tốn chi phí, thời gian đi lại mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn chính xác. Tính đến hết tháng 9/2023, có 139.511 khách hàng tiến hành trả tiền điện qua ngân hàng điện tử hoặc các ví điện tử như Viettel, Payoo, VNPay, Vimo... đạt 72,74%. Nhờ đó, đơn vị đã hạn chế được tình trạng khách hàng quên, chậm đóng tiền điện. Để tăng cường thanh toán điện tử, giảm số lượng khách hàng sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán tiền điện và chi phí dịch vụ điện, Công ty Điện lực Ninh Thuận cũng đã phối hợp cùng các đơn vị thu hộ trong công tác truyền thông về thanh toán tiền điện KDTM, hướng dẫn khách hàng sử dụng các kênh thanh toán điện tử để khách hàng tin tưởng sử dụng.
Khách hàng quét mã QR để thanh toán tiền tại một quán cà phê ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Hồng Nguyệt
Tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà, mỗi ngày có khoảng 1.200-1.300 khách hàng đến tham quan, mua sắm, trong đó tỷ lệ khách hàng sử dụng giao dịch thanh toán KDTM khoảng 25%, theo đại diện siêu thị thì tỷ lệ khách hàng thanh toán KDTM tăng hơn 10% mỗi năm. Để thuận tiện trong mua sắm siêu thị cũng mở trang web mua sắm trực tuyến, khách có thể đặt hàng, chuyển khoản thanh toán. Đối với người tiêu dùng trực tiếp tại siêu thị mua sắm, có thể lựa chọn thanh toán KDTM quan các hình thức: Ứng dụng thanh toán MoMo, quẹt thẻ ATM, ví ZaloPay, quét mã QR chuyển khoản trực tiếp.
Dạo quanh một vòng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có thể thấy, không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng, đại lý phân phối lớn có ứng dụng quét mã QR hay quẹt thẻ thanh toán mà nhiều quán ăn nhanh, cửa hàng tạp hóa, quán cà phê, quầy thuốc tân dược, hay quán cắt tóc... cũng đã chủ động triển khai các ứng dụng này nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán.
Tại quán cà phê Laa. Tea & Coffee, đường Lưu Trong Lư, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), mỗi khi khách đến gọi đồ uống chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại thông minh và quét mã QR, nhập số tiền thanh toán. Ngay sau đó, nhân viên của quán nhận được tin nhắn báo số tiền khách hàng vừa chuyển, rất đơn giản và thuận tiện. Chị Nguyễn Thị Tố, chủ quán cà phê Laa. Tea & Coffee, cho biết: Trước đây, nhiều khách hàng đã đề nghị quán tạo mã QR để họ thanh toán, do đó, gần một năm nay, quán đã đăng ký sử dụng ứng dụng quét mã QR và được nhiều khách hàng sử dụng. Từ ngày tạo mã QR, tôi thấy rất tiện lợi cho khách lẫn cho mình. Khách hàng chỉ cần quét mã QR xong là tiền đã chuyển vào tài khoản mà chúng tôi không phải vất vả tìm tiền lẻ trả lại và hạn chế được việc tiền rách, tiền giả.
Tất cả các cửa hàng, cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng đều có chung nhận định việc thanh toán KDTM giúp tránh nhầm lẫn trong kiểm đếm, giảm rủi ro khi cất giữ, vận chuyển tiền mặt, tiện lợi khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Anh Nguyễn Hoàng Vũ Giang, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), chia sẻ: Chưa bao giờ tôi thấy việc mua bán, thanh toán, nộp tiền điện, nước đối với tôi lại trở nên thuận tiện như bây giờ, hoặc khi đi mua hàng ở siêu thị, nhà hàng, quán cà phê tôi cũng rất ít khi thanh toán bằng tiền mặt. Tôi thường sử dụng thanh toán bằng các hình thức như quét mã QR, ví điện tử MoMo, thẻ ATM. Việc giao dịch này giúp tôi hạn chế phải mang tiền mặt nhiều, đảm bảo an toàn bảo mật tài khoản.
Xu hướng thanh toán KDTM đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư các thiết bị, hạ tầng công nghệ phục vụ. Đồng chí Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, cho biết: Có thể thấy rõ, thời gian gần đây thói quen thanh toán của người dân trên địa bàn tỉnh đang có sự thay đổi tích cực sang hướng KDTM, đặc biệt là thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, trong 9 tháng năm 2023, có 85.576 lượt khách hàng nộp thuế, 332.195 lượt khách hàng thanh toán hóa đơn tiền điện, 197.320 lượt khách hàng thanh toán hóa đơn tiền nước, 25.594 lượt khách hàng thanh toán học phí, 22.592 lượt khách hàng thanh toán viện phí và 84.217 lượt khách hàng phát sinh giao dịch thu hộ bảo hiểm xã hội và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng bằng các hình thức KDTM. Hệ thống thiết bị thanh toán KDTM được các tổ chức tín dụng đầu tư, lắp đặt và vận hành ổn định, thông suốt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thanh toán KDTM. Đến nay, toàn tỉnh có 94 máy ATM, trong đó có 3 máy CDM và 591 máy chấp nhận thanh toán thẻ Pos được lắp đặt và kết nối liên thông, tăng 47 máy so với cuối năm 2022. Chỉ bằng điện thoại thông minh, khách hàng có thể chuyển khoản, thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt với công nghệ mã QR, khách hàng có thể thanh toán nhanh chóng, thuận lợi, độ an toàn cao.
Thanh toán KDTM hiện đang là xu thế chung trong công cuộc chuyển đổi số, giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn cho người sử dụng. Để tăng tỷ lệ thanh toán KDTM, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán KDTM, góp phần mang lại lợi ích chung cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hồng Nguyệt