Xác định Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy là cơ hội, giải pháp đột phá, trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo cho người dân, huyện Thuận Nam đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của NN ứng dụng CNC, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện của từng vùng; vai trò chủ thể của nông dân, doanh nghiệp (DN) ngày càng được phát huy, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận cho hiệu quả kinh tế cao.
Phước Dinh là xã ven biển có quỹ đất rộng, hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi thích hợp cho việc phát triển NN ứng dụng CNC, với các loại cây trồng như: Dưa lưới, nha đam, mãng cầu, măng tây xanh; đặc biệt, độ mặn nước biển phù hợp cho sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, UBND xã xây dựng Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 9/6/2022 về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển NN, nông thôn, qua đó kêu gọi, thu hút được một số DN đầu tư các dự án NN ứng dụng CNC.
Trang trại hữu cơ SADC DannyGreen Organic Farm - Sơn Hải của Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận là một trong những DN tiên phong trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất đem lại hiệu quả. Công ty đầu tư kinh phí cải tạo đất, sản xuất 120ha dưa lưới, nhãn, xoài, chà là... Nhờ ứng dụng công nghệ nhà màng, áp dụng điều khiển vi khí hậu trong sản xuất, giúp điều chỉnh tự động lượng nước tưới, độ ẩm, nhiệt độ, lượng phân bón, nên năng suất cây trồng đạt cao; đặc biệt, sản phẩm dưa lưới của công ty được tiêu thụ rộng khắp ở các siêu thị trong nước và xuất khẩu, doanh thu mỗi năm đạt từ 120-130 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 120 lao động tại địa phương. Anh Nguyễn Thanh Thuận, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm NN sạch, công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhất là chính sách ưu đãi về đất đai, đây là động lực quan trọng để công ty tiếp tục mở rộng thêm diện tích 9ha trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Đảng ủy xã Phước Dinh, nhìn nhận: Qua thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đã mang lại nhiều khởi sắc, làm thay đổi tư duy nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các DN đã phát huy tốt vai trò liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, hướng dẫn nông dân chủ động áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, sản xuất NN huyện Thuận Nam phát triển khá toàn diện cả về quy mô, năng suất, chất lượng; cơ cấu ngành NN chuyển dịch đúng hướng, hàm lượng khoa học - công nghệ áp dụng trong sản xuất được tăng lên. Đến nay, toàn huyện có 8 DN đang hoạt động sản xuất NN ứng dụng CNC; trong đó, có 5 dự án trên lĩnh vực trồng trọt, 2 dự án thủy sản và 1 dự án chăn nuôi; giá trị sản xuất NN ứng dụng CNC đối với các loại cây trồng trong nhà màng, nhà kính đạt từ 500-700 triệu đồng/ha. Theo đánh giá của UBND huyện Thuận Nam, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng quá trình phát triển NN ứng dụng CNC vẫn còn nhiều khó khăn như việc thu hút DN đầu tư dự án chưa nhiều so với quy mô quỹ đất, tỷ lệ áp dụng khoa học - công nghệ còn thấp, khả năng liên kết với thị trường hạn chế.
Huyện Thuận Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giá trị sản xuất NN ứng dụng CNC đạt 700 triệu đồng/ha, diện tích sản xuất NN ứng dụng CNC đạt 200ha, 7 dự án NN ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả, sản lượng tôm giống đạt 5 tỷ con/năm, có 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh... Để thực hiện đạt mục tiêu trên, huyện đề ra các giải pháp tập trung khai thác và tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng để xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất ứng dụng CNC, gắn với chế biến, bảo quản để tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm NN chủ lực; khai thác lợi thế biển để phát triển nuôi trồng, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất thông qua các mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị. Đa dạng hóa nguồn đầu tư, các nguồn lực xã hội khác và đóng góp của người dân xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển NN ứng dụng CNC.
Đăng Khôi