Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012, các HTX không ngừng củng cố, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, mạnh dạn thực hiện liên kết với doanh nghiệp hình thành nhiều khu sản xuất tập trung, với các loại cây trồng chủ lực, trọng điểm của tỉnh; đồng thời, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường, khắc phục những nhược điểm của mô hình kinh tế nhỏ, lẻ trước đây. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước), hợp tác với Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến trồng măng tây xanh, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm với diện tích gần 20ha theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại lợi nhuận từ 300-320 triệu đồng/ha/năm; hay mô hình trồng bắp giống, quy mô 80ha, do HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) liên kết với Công ty TNHH Hạt giống CP, cho năng suất đạt trên 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha; mô hình canh tác lúa cánh đồng lớn 150ha của HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu liên kết với Nhà máy xay xát Kim Xuyến, cho năng suất lúa đạt trên 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 22 triệu đồng/ha...
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc thù của Hợp tác xã Phước Đại (Bác Ái). Ảnh: Văn Nỷ
Cũng từ thực hiện tốt vai trò liên kết, đến nay một số sản phẩm đã được sản xuất theo hướng Organic và được các tổ chức quốc tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn EU, USDA, JAS. Đơn cử như HTX Điều hữu cơ Truecoop liên kết với nông dân ở các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái trồng trên 3.992ha cây điều, sản phẩm được thu mua với giá bình quân 32.000 đồng/kg, giúp nâng cao thu nhập đáng kể cho các hộ thành viên tham gia sản xuất. Ông Bùi Thanh Duy, Giám đốc HTX, cho biết: Tổng sản lượng thu mua của HTX đạt trên 4.000 tấn/năm, doanh thu ước tính hơn 100 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng mối liên kết, phấn đấu đạt mục tiêu 6.000ha vườn điều đạt chứng nhận hữu cơ để làm nguyên liệu chế biến, xuất khẩu ra thị trường các nước.
Toàn tỉnh hiện có 131 HTX, trong đó có 94 HTX chuyên về lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025, ngành chức năng, các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách đất đai, tài chính tín dụng, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm. Qua đó, giúp các HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đứng vững trong nền kinh tế thị trường.
Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân đầu tư máy sấy lúa, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Là một trong những HTX được hỗ trợ đầu tư nhà xưởng và công nghệ sấy lúa, ông Thái Bá Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân, xã Xuân Hải (Ninh Hải), chia sẻ: Sản lượng lúa mỗi vụ thu hoạch của HTX đạt khoảng 100 tấn, nếu thu hoạch trong thời điểm có mưa sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng lúa và bị đầu mối thu mua ép giá; nhờ có công nghệ sấy, thời gian bảo quản, dự trữ lúa được lâu hơn, mối liên kết sản xuất giữa các thành viên và HTX cũng được gắn kết chặt chẽ.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hầu hết các chuỗi liên kết sản xuất tại các HTX luôn có sự ổn định, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, từng bước đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình liên kết, thời gian tới, ngành tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để kinh tế HTX phát triển bền vững, hiệu quả.
Hồng Lâm