Phụ nữ Việt Nam - khơi nguồn những giá trị tốt đẹp
Từ ngàn xưa, truyền thống Việt Nam đã xem trọng người PN, thể hiện qua nhiều câu ca dao, tục ngữ như: "Phúc đức tại mẫu", "Của chồng công vợ", “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”... và những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy vẫn luôn được giữ gìn, trao truyền và phát triển qua nhiều thế hệ.
Nếu gia đình được coi là “tế bào của xã hội” thì người PN chính là “hạt nhân” của tế bào đó. Thực tế, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, phải bắt đầu từ người PN. Ảnh hưởng của người PN không chỉ tác động mà còn quyết định đến hầu hết các mặt trong cuộc sống gia đình.
Với vai trò làm vợ, PN là người chia sẻ, hỗ trợ, là người bạn đồng hành của chồng mình. Người PN luôn là hậu phương vững chắc, đồng cam cộng khổ cùng chồng xây dựng cuộc sống. Với thiên chức làm mẹ, người PN sinh con và giữ vai trò chủ đạo trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái. Việc làm này là cả một quá trình dài nhiều chông gai, vất vả nhưng cũng là niềm hạnh phúc to lớn đối với mỗi người PN.
Bên cạnh đó, người PN giữ vai trò chủ đạo trong việc tề gia nội trợ. Không chỉ là người sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ... cho các thành viên trong gia đình, người PN còn là hậu phương vững chắc, động viên, giúp đỡ chồng, con vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống; là bến đỗ bình an, là chỗ dựa tinh thần cho các thành viên sau những giờ học tập, làm việc vất vả. Không phải tự nhiên mà mọi người cho rằng “đằng sau mỗi một người đàn ông thành đạt là người PN biết hy sinh”. Đằng sau một gia đình hạnh phúc với những đứa con chăm ngoan, học giỏi, người chồng thành đạt... luôn có một người vợ tảo tần, đảm đang.
Ngoài ra, PN còn phải điều hòa các mối quan hệ trong gia đình, cũng như đối nội, đối ngoại. Điều này đòi hỏi phải có sự khéo léo và tinh tế. Do đó, những từ như “thắp lửa”, “giữ lửa” hay “xây tổ ấm” đều gắn với người PN như để nhấn mạnh vai quan trọng của họ trong việc xây dựng gia đình yên ấm.
Trong xã hội hiện đại, vai trò, hình ảnh của người PN đối với gia đình vẫn không thay đổi, thậm chí còn cao hơn trước. Chăm lo xây dựng gia đình "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu PN toàn quốc lần thứ XIII cũng đề cập tới nội dung PN vun đắp giá trị gia đình.
"No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" là tiêu chí xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, PN Việt Nam ngày càng được quan tâm, chăm lo phát triển, tạo điều kiện để tham gia trực tiếp toàn bộ các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, xây dựng được chỗ đứng ngày càng bình đẳng, độc lập hơn so với nam giới, do đó, thời gian dành cho gia đình theo đó cũng bị hạn chế hơn. Chính vì thế, để hoàn thành "sứ mệnh" đặc biệt trong việc xây dựng gia đình, PN Việt Nam vừa phải tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức trên mọi lĩnh vực; đồng thời, phải tự xây dựng cho mình tác phong, phong cách làm việc, lao động khoa học, sáng tạo, linh hoạt; phân bổ thời gian hợp lý cho trọn vẹn cả việc nước lẫn việc nhà, cũng như việc chăm sóc bản thân.
Đó là điều không dễ dàng. Nhưng tiếp nối truyền thống của PN Việt Nam, bằng bản lĩnh, sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng, các thế hệ PN hiện đại sẽ vượt qua khó khăn, tỏa sáng trên mọi lĩnh vực, hoàn thành cùng lúc nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là trực tiếp chăm lo xây dựng gia đình ngày càng "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" trong thời kỳ mới.
Đạt nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Ngoài việc “giữ lửa” cho gia đình, trong suốt chiều dài lịch sử, PN Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của PN Việt Nam.
Ngay từ buổi đầu lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, Bà Trưng, Bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù. Thế kỷ XX, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, lịch sử lại ghi nhận hàng vạn tấm gương PN, các mẹ, các chị, em không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với lực lượng nam giới, chị em trên cả nước, theo lời kêu gọi của Bác, đã đứng lên kháng chiến, góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Đặc biệt, chưa có thời kỳ nào hoạt động quân sự của PN lại sôi nổi, mạnh mẽ như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. PN hai miền Nam - Bắc hăng hái, tỏ rõ quyết tâm đập tan ách đô hộ. Ở chiến trường miền Nam, chị em tham gia vào việc giao liên, vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến, cứu trợ thương binh và nuôi giấu cán bộ. PN chiếm vị trí quan trọng trong các lực lượng dân quân, du kích ở các xã ấp (tính đến năm 1961, toàn miền Nam đã có 28.000 nữ du kích); PN còn tham gia quân chủ lực; PN cũng là lực lượng đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng làng xã chiến đấu (từ năm 1961 đến năm 1965, toàn miền Nam có 1,86 triệu PN tham gia xây dựng làng xã chiến đấu). Nơi hậu phương miền Bắc, PN tham gia canh tác, thi đua sản xuất, cung cấp lương thực cho chiến sĩ. Hình ảnh những cô gái Việt nhỏ bé chiến đấu với quân đội hùng hậu đã trở thành biểu tượng hào hùng của quân và dân ta.
Cũng vì thế mà có rất nhiều bài ca về các mẹ, các chị, em gái - những người đã hy sinh cả thời thanh xuân tươi đẹp hay chính mạng sống của mình để bảo vệ Tổ quốc. Đó là các ca khúc: “Cô gái mở đường”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Bài ca may áo”...
Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, PN Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói, giảm nghèo, tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại... Ngày càng có nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo tài năng, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động.
Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ PN tham gia đại biểu Quốc hội đạt 30,26%, xếp thứ 62/190 quốc gia trên thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan nghị viện, quốc hội (theo đánh giá của Liên đoàn Nghị viện quốc tế). 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt. Từ năm 2015-2022 đã có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh là nhà khoa học trẻ tài năng thế giới.
Tỷ lệ doanh nghiệp do PN làm chủ ngày càng tăng. Tại Lễ vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do VCCI tổ chức, có 2 nữ doanh nhân Việt Nam nằm trong top 10 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất, 3 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Trong lĩnh vực thể thao, vận động viên nữ Việt Nam có đóng góp quan trọng về thành tích của quốc gia tại SEA Games 31 với 103 huy chương vàng, 119 huy chương bạc và đồng, chiếm gần 50% trong tổng số huy chương của đoàn Việt Nam; đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã giành vé tham dự Vòng chung kết World Cup nữ 2023...
Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đều tăng. Trong các lĩnh vực khác, như: Y tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, du lịch, quân sự... PN cũng có những đóng góp to lớn.
Đặc biệt, trong “trận chiến” với dịch COVID-19, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, các cấp Hội Liên hiệp PN Việt Nam cùng cán bộ, hội viên, PN cả nước đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực tham gia tích cực với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Những thành quả của PN trong lao động sản xuất, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, thể thao, văn hóa nghệ thuật, giáo dục, y tế... đã khẳng định vị trí, vai trò của người PN Việt Nam trong đời sống xã hội. Những tấm gương về PN điển hình “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” hằng năm không ngừng tăng lên, đồng nghĩa với việc địa vị của người PN ngày càng được khẳng định trong xã hội.
Theo TTXVN