Nghệ nhân ưu tú Mai Thắm hướng dẫn thiếu niên dân tộc Raglai
sử dụng nhạc cụ Mã la, đàn Chapi.
Được tận mắt chứng kiến ông Mai Thắm hướng dẫn thiếu niên dân tộc Raglai ở xã Phước Thắng sử dụng nhạc cụ Mã la, đàn Chapi... mới thấy được tâm huyết, đam mê với văn hóa dân tộc của một già làng đã hơn 72 tuổi. Những âm thanh du dương tạo không khí vui tươi và những điệu múa uyển chuyển đã tái hiện cuộc sống sinh động trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Raglai. Ông Mai Thắm chia sẻ: Để văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai sống mãi với thời gian, tôi mong có sức khỏe để tiếp tục truyền dạy cho con cháu trong thôn, xóm chế tác, biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống.
Tâm huyết, đam mê với văn hóa dân tộc, đến nay ông Mai Thắm đã nghiên cứu, sưu tầm, chế tác và sử dụng nhiều loại nhạc cụ của đồng bào Raglai như: Đàn Chapi, khèn bầu, trống đất, Mã la... Năm 2019, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đây không chỉ là vinh dự cho bản thân ông, mà còn là niềm tự hào của đồng bào Bác Ái. Từ đó đến nay, nghệ nhân thường xuyên tham gia truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho học sinh ở các trường học trên địa bàn huyện. Thầy giáo Bùi Hữu Pha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, cho biết: Thời gian qua, Nghệ nhân ưu tú Mai Thắm nhiệt tình giúp đỡ và phối kết hợp với các trường học hướng dẫn học sinh sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai. Nhờ đó, giúp các em học sinh có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Dù tuổi đời đã cao, nhưng hằng ngày Nghệ nhân ưu tú Mai Thắm vẫn miệt mài chế tác, biểu diễn, truyền dạy cho thế hệ trẻ cách sử dụng nhạc cụ dân tộc. Những cống hiến của nghệ nhân đã góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào Raglai.
Kha Hân