Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận thuộc vùng khí hậu bán sa mạc, hạn hán thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, trong những năm gần đây chịu tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp (NN). Trước tình hình đó, ngành NN đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường.

Qua 3 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành NN gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành NN đã có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, là trụ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn, nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19. Tính đến cuối năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành dự kiến đạt hơn 13.576 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,12%/năm, giá trị tăng thêm đạt 5,3%/năm; kinh tế nông nghiệp chiếm 27,8% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Dưa Hoàng Kim trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở huyện Ninh Hải được
công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Thịnh

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tỉnh ta chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH, đặc biệt là tình hình hạn hán. Các hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, nhiệt độ gia tăng ngày càng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất NN của người dân, đặc biệt là nông dân trong 2 nhóm sinh kế chính là trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều khu vực vẫn còn hoang hóa, phải dừng sản xuất cục bộ do thiếu nước tưới khi xảy ra hạn hán. Thời gian vừa qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo đầu tư hệ thống thủy lợi và các công trình phòng, chống thiên tai và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, đã giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, thích ứng hiệu quả với BĐKH.

Ngành NN, các địa phương đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với BĐKH; chuyển giao các giống cây trồng mới, chế độ canh tác phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác NN thông minh, thích ứng với BĐKH. Phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, diện tích sản xuất chủ động tưới đạt 62,38%, tăng 2,38% so với 2020 và đã chuyển đổi 1.920,7 ha đất kém hiệu quả sang cây trồng cạn, lợi nhuận cao hơn 4 lần so với sản xuất lúa trước đây. Điều đặc biệt quan trọng hơn là, nhận thức của nhân dân đã có chuyển biến rõ nét, tích cực trong tổ chức sản xuất thích ứng với BĐKH thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây công nghiệp, rau, đậu, giảm tỷ trọng cây lương thực một cách hợp lý gắn với phát triển các cơ sở chế biến, phát triển các ngành hàng có giá trị, có lợi thế cạnh tranh như: Nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây xanh,... Tính đến nay, toàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 26 mã vùng trồng với diện tích 281.134 ha. Đặc biệt, vùng trồng bưởi da xanh Phước Bình (Bác Ái) diện tích 23 ha đáp ứng các yêu cầu theo quy định của thị trường Hoa Kỳ.

Việc thay đổi tư duy sản xuất từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học - công nghệ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu đã đem lại những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế NN. Qua đó, tạo ra những sản phẩm NN có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cao cho nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, diện tích sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao (CNC) toàn tỉnh đạt 515,7 ha, đã có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận doanh nghiệp NN CNC. Giá trị sản xuất NN CNC giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 32,31% năm, đóng góp của NN CNC vào giá trị sản xuất của ngành NN năm 2023 đạt 13,16%, tăng 7,16% so với năm 2020.

Mô hình trồng giống nho NH04-102 của anh Nguyễn Đình Trí, thôn Đắc Nhơn,
xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) mang lại giá trị kinh tế cao.

Cùng với trồng trọt, tỉnh cũng tập trung phát triển đồng bộ khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến thủy sản. Đẩy mạnh phát triển nuôi theo hướng đa dạng các đối tượng nuôi và hình thức nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái theo quy hoạch để phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ được nhân rộng, giúp chống chịu với thời tiết bất thuận, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp sản xuất tôm giống ứng dụng CNC; trong đó, có 2 doanh nghiệp sản xuất tôm giống bố mẹ có năng lực sản xuất hơn 20.000 cặp/năm; 25 doanh nghiệp thuộc nhóm có năng lực sản xuất tối thiểu 0,5 tỷ con post/doanh nghiệp/năm. 100% cơ sở sản xuất tôm giống được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích ngư dân đầu tư khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, kiên quyết khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Hướng tới xây dựng nền NN phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH, thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất NN, phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện hơn theo hướng hiện đại, thích ứng với BĐKH. Trong đó, tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm NN có lợi thế của từng vùng, địa phương. Phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu, bảo tồn và phát triển giống bản địa. Thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển NN ứng dụng CNC và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế rừng theo hướng tăng tỷ trọng trồng rừng tập trung. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình NN tiên tiến gắn với du lịch, bảo đảm thích ứng với BĐKH, hiệu quả và bền vững.