Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chiến lược cũng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập, trong đó có khó khăn về nguồn lực. Chủ đề này cũng là một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội thảo khoa học: Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” mới đây.
Công nhân Công ty Môi trường Tây Đô tìm đọc sách tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN
Nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư văn hóa
Cho đến nay, lĩnh vực văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo và coi trọng. Trong các văn kiện Đại hội Đảng, cũng như Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”.
Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu: Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người. Đặc biệt, từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chấn hưng văn hóa, lĩnh vực văn hóa đã được cả hệ thống chính trị tập trung xây dựng, nâng cao cả về nhận thức và hành động. Các địa phương đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa; nhiều di sản văn hóa được ghi danh, xếp hạng, tu bổ gắn kết với phát triển du lịch; các thiết chế văn hóa được tăng cường. Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai sâu rộng; tinh thần nhân ái, nghĩa đồng bào, những giá trị nhân văn tốt đẹp của con người Việt Nam trong dịch bệnh, khó khăn được lan tỏa, nhân lên…
Ông Hoàng Hà, quyền Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu dẫn chứng từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thời gian qua Nhà nước đã dành nguồn lực nhất định từ ngân sách để tập trung đầu tư phát triển văn hóa, phát triển con người cả từ Trung ương đến địa phương, với mức đầu tư được xác định khoảng 1,6-1,7% so với tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và tăng dần theo từng giai đoạn. Theo đó, năm 2021-2025 số vốn ngân sách Trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng, gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các địa phương đã có sự quan tâm đầu tư hơn cho văn hóa. Nhiều địa phương đã tăng cường bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đầu tư công trình, thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân. Ví dụ như tỉnh Bắc Ninh tăng chi ngân sách cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch từ 150,7 tỷ đồng (năm 2021) lên 162,1 tỷ đồng (năm 2022). Tiền Giang triển khai Đề án “Nâng cao hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” với tổng kinh phí hoạt động cho 172 xã, phường, thị trấn là 18,748 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 40%, số 60% còn lại do ngân sách cấp huyện, cấp xã đảm bảo và nguồn vận động xã hội hóa. Thái Bình đã cấp 27 tỷ đồng cho 327 nhà văn hóa, khu thể thao, huy động xã hội hóa gần 14 tỷ đồng đã tạo ra diện mạo khang trang, trang bị thiết bị văn hóa thể thao đồng bộ cho nhà văn hóa, sân thể thao, thu hút đông đảo nhân dân đang tham gia tập luyện thể dục thể thao và sinh hoạt văn hóa văn nghệ…
Diễn viên của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau biểu diễn tiết mục múa Rô băm tại khai mạc trưng bày, giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa của hai tỉnh Cà Mau và Gia Lai. Ảnh: Kim Há/TTXVN
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách
Theo ông Hoàng Hà, cùng với đầu tư thỏa đáng nguồn lực, Nhà nước cũng cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, trước tiên cần có chính sách thuế ưu đãi cho văn hóa.
Ông Hoàng Hà dẫn chứng, ở nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp rất tích cực tổ chức hoặc tài trợ sự kiện văn hóa, nghệ thuật, nhưng ở Việt Nam, hoạt động này rất ít. Các nước có ưu đãi về thuế đủ sức khuyến khích doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trong khi ở Việt Nam, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp không quy định các khoản chi tài trợ của doanh nghiệp cho lĩnh vực văn hóa được hạch toán vào thuế thu nhập, mà quy định hiện nay chỉ điều chỉnh các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho một số lĩnh vực: giáo dục, y tế… chính vì thế chưa khuyến khích nhiều doanh nghiệp tài trợ cho lĩnh vực văn hóa.
Ông Hoàng Hà cho rằng, để có nguồn lực, bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cần sự chung tay, ủng hộ của xã hội, doanh nghiệp. Muốn vậy, phải có cơ chế, chính sách phù hợp, tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế tài chính công, sửa đổi quy định về văn hóa còn bất cập, đồng thời phải có cơ chế ưu đãi, khuyến khích để huy động các nguồn lực khối tư nhân tham gia tài trợ, thực hiện dự án văn hóa, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các Luật: Đầu tư, PPP, Thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hóa.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, một trong những “điểm nghẽn” cần tiếp tục tháo gỡ là khai thông nguồn lực xã hội cho văn hóa. Điều này không chỉ vì hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, rất nhiều công việc trước mắt đòi hỏi phải giải quyết ngay, mà còn vì chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng. Trong đó, nhận thức về cách huy động nguồn lực xã hội chưa thật phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường, nơi lợi ích là yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất để huy động sự quan tâm của mọi người. Trong khi, văn hóa là một lĩnh vực ít thấy lợi ích kinh tế trước mắt, đầu tư lớn, thu hồi vốn lâu, nhiều khi bị xem là một hình thức đầu tư mạo hiểm, chưa biết thắng - thua...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta cần có một cách tiếp cận mới để giải quyết những vấn đề khó khăn mang tính muôn thủa của văn hóa, tháo gỡ điểm nghẽn cho quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa tại Việt Nam. Theo ông, mô hình đầu tư công - quản trị tư có thể được xem là một giải pháp đáp ứng được yêu cầu như vậy.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, mô hình đầu tư công - quản trị tư trong lĩnh vực văn hóa mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bằng cách kết hợp sự hỗ trợ từ nguồn tài chính công cộng và khả năng quản lý, linh hoạt của tổ chức, cá nhân trong việc phát triển, duy trì hoạt động văn hóa. Ông Bùi Hoài Sơn đưa dẫn chứng, một số nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc có những mô hình đầu tư công, quản trị tư và có hiệu quả tốt, thể tận dụng sự đa dạng của các nguồn lực tài chính và con người để đảm bảo sự phát triển sự nghiệp văn hóa của quốc gia.
Ông cũng gợi ý một số giải pháp cho đầu tư công - quản trị tư ở Việt Nam, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho mô hình; tạo môi trường thúc đẩy đầu tư tư nhân lực vào các dự án văn hóa. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện hình thành và phát triển các quỹ tài trợ văn hóa, quỹ tín thác của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật; thiết lập hệ thống đánh giá giám sát để đảm bảo rằng các nguồn tài trợ được sử dụng một cách có trách nhiệm, đáng tin cậy, công khai, minh bạch…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc hình thành mô hình đầu tư công - quản trị tư sẽ giúp thúc đẩy kết nối giữa nguồn lực tài chính và con người, công và tư, tạo ra cơ hội đầu tư vào nhiều dự án văn hóa đa dạng, thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa, đem lại lợi ích to lớn cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Theo TTXVN/Báo Tin tức