Nhìn lại hoạt động của Sở KH&CN từ đầu năm 2023 đến nay, điểm sáng đáng kể là đơn vị đã hoàn thành 2 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá UBND tỉnh giao, 1 nhiệm vụ còn lại đang thực hiện dự kiến cuối năm sẽ hoàn thành. Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức xây dựng, xác lập 50 nhiệm vụ chủ động tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả nhất định. Tiêu biểu như nhiệm vụ theo dõi, quản lý hoạt động khoa học có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối tháng 9, sở đã tổ chức theo dõi, quản lý 27 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, 2 nhiệm vụ cấp nhà nước và 6 nhiệm vụ cấp tỉnh được nghiệm thu. Một số nhiệm vụ đã nghiệm thu như: Tuyển chọn và phục tráng giống tỏi Phan Rang; điều tra, chọn lọc và phát triển giống bắp nếp bản địa ở huyện Bác Ái đã chuyển giao cho địa phương áp dụng vào sản xuất có hiệu quả.
Đối với công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT), Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược SHTT thực hiện năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN lĩnh vực SHTT đặt hàng cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước năm 2023 gồm 2 nhiệm vụ: Quản lý và khai thác thương mại nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” theo chuỗi giá trị và Quản lý và khai thác thương mại chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm thịt cừu theo chuỗi giá trị; trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận dùng cho sản phẩm thịt cừu của tỉnh Ninh Thuận cho Công ty TNHH Nhật Thành Food. Tổ chức bàn giao sản phẩm của nhiệm vụ “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận OCOP Ninh Thuận” cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nông dân xã Phước Bình (Bác Ái) trồng bưởi cho năng suất và mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: X.Bính
Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở KH&CN ngày càng đi vào chiều sâu, sát với thực tiễn sản xuất. Đã xây dựng mô hình 30 ha trồng thâm canh cây ăn quả (sầu riêng, bưởi, chuối) kết hợp trồng cây sa nhân tím dưới tán vườn tại huyện Bác Ái và Ninh Sơn; bảo tồn lưu giữ các nguồn gen cây dược liệu quý như giống sa nhân, 14 giống xương rồng Nopal nhập nội tại Ninh Thuận; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả (mít, bưởi, sầu riêng, chuối), kỹ thuật trồng xen canh cây sa nhân dưới tán điều và dưới tán cây ăn quả, với 800 lượt người tham gia; nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô, sản xuất 40.000 cây giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh; khảo nghiệm quy trình nhân giống cây sa nhân tím, xương rồng Nopal...
Các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương đã được quan tâm nhiều hơn, xem việc đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào sản xuất không chỉ là giải pháp tối ưu mà còn là yếu tố để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Thông qua việc ban hành và áp dụng các chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất. Phát huy những kết quả đạt được, 3 tháng cuối năm 2023, Sở KH&CN tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 472/QĐ-UBND ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh ban hành Chương trình ứng dụng, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp hoạt động về KH&CN và đổi mới sáng tạo giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh, giai đoạn 2023-2030. Tiếp tục tổ chức theo dõi, quản lý đúng quy trình, quy định đối với nhiệm vụ KH&CN. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến 2025. Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số; triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Anh Tùng