Những tính năng mới này cho phép người dùng nói với ứng dụng và yêu cầu chatbot phản hồi bằng lời nói, cũng như tải lên những hình ảnh mà AI có thể phân tích.
Theo đài Sputnik, tính năng giọng nói sẽ chỉ khả dụng trên ứng dụng di động, trong khi tính năng phân tích hình ảnh sẽ sẵn có trên tất cả các nền tảng. Hiện tại, người dùng chỉ có thể nhập câu hỏi dưới dạng văn bản vào chatbot và nhận được phản hồi bằng văn bản. Các tính năng mới sẽ cho phép tương tác và cuộc trò chuyện giữa người dùng và ứng dụng diễn ra tự nhiên hơn cũng như nâng cao được tính năng xử lý hình ảnh đáng kể của ứng dụng.
Biểu tượng công cụ ChatGPT của OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN
Ví dụ, người dùng có thể chụp ảnh một động cơ ô tô và yêu cầu ChatGPT xác định các bộ phận khác nhau hoặc gợi ý hướng dẫn cách kiểm tra dầu trong mẫu xe cụ thể đó.
ChatGPT đã trở nên phổ biến sau khi ra mắt vào tháng 11/2022 và trên đường trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất từ trước đến nay. Đây là sản phẩm của ngành công nghiệp AI đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ trong xã hội ngày nay và nhận được nhiều khoản đầu tư thương xuyên. Đầu năm nay, Microsoft đã đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI như một phần của vòng cấp vốn sẽ định giá công ty ở mức 29 tỷ USD.
Trong khi Google thường xuyên bổ sung các tính năng mới cho chatbot Bard AI thì Microsoft thêm tính năng tìm kiếm trực quan vào Bing và tích hợp ChatGPT vào Skype.
Sự phổ biến và phát triển nhanh chóng của AI đi đôi với những lo ngại chính đáng về khả năng ảnh hưởng tới xã hội. AI nói chung có thể đe dọa sinh kế của vô số người sáng tạo nội dung đồng thời đặt ra những rủi ro mới về bảo mật và quyền riêng tư cũng như làm gia tăng thông tin sai lệch.
Các chuyên gia an ninh mạng lo ngại phần mềm nhân bản giọng nói và công nghệ deepfake có thể được sử dụng để phá vỡ các biện pháp bảo mật dùng sinh trắc nhận dạng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các chương trình AI như chatbot và phần mềm tạo hình ảnh được xây dựng dựa trên tài sản trí tuệ của hàng triệu người.
Theo TTXVN/Báo Tin tức