Có dịp đến tham quan mô hình trồng cây phúc bồn tử trong nhà lưới của anh Nguyễn Văn Trinh, khu phố 4, phường Văn Hải, chúng tôi khâm phục tinh thần sáng tạo, chủ động của nông dân tỉnh nhà. Anh Nguyễn Văn Trinh chia sẻ: Nhận thấy phúc bồn tử là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng dài, mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2020 tôi mạnh dạn chuyển đổi 1 sào cây trồng kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm cây phúc bồn tử. Để cây phát triển tốt, tôi lắp đặt nhà lưới và hệ thống tưới nước nhỏ giọt, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm, kiểm soát lượng nước tưới. Đến nay, mỗi ngày tôi thu hoạch từ 5-7 kg trái chín, với giá bán 150.000 đồng/kg thu lãi khoảng 16 triệu đồng/tháng. Cùng với việc bán trái tươi, anh Trinh còn nghiên cứu, chế biến các loại siro, rượu phúc bồn tử để nâng cao giá trị sản phẩm. Với sự mạnh dạn, đi đầu trong việc đưa cây trồng mới về canh tác tỉnh ta, anh Nguyễn Văn Trinh đóng góp tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả tại địa phương.
Mô hình trồng cây phúc bồn tử trong nhà lưới của anh Nguyễn Văn Trinh, phường Văn Hải
(Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Đình Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp hội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng tập trung, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác đạt 375 triệu đồng/ha/năm. Hội viên từ thành phố đến cơ sở tích cực chuyển giao giống và công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch truyền thống. Tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, những vùng sản xuất bị nhiễm mặn có phương án chuyển đổi sản xuất đạt hiệu quả kinh tế hơn. Phát triển sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với đặc thù đô thị, cung ứng nhiều dịch vụ như: Cây xanh, cây cảnh, hoa tươi, thực phẩm cho ngành dịch vụ - du lịch; quản lý khai thác tốt các sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, sản phẩm có diện tích sản xuất lớn, giá trị cao như: Nho, táo, tỏi, nha đam... Cùng với đó, thường xuyên phối hợp đơn vị tổ chức hội thảo, hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại... nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu các nông sản của bà con... Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao tại phường Văn Hải như: Trồng rau sạch cung cấp siêu thị Co.opmart Thanh Hà của ông Nguyễn Lin; trồng nho trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của ông Phan Văn Minh hay ông Phan Ngọc Yêm thành công với sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản...
Cùng với cây trồng, các cấp hội còn tập trung phát triển ngành chăn nuôi theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, mang lại kinh tế nhưng vẫn bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo đó, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, hội viên các địa phương như: Đô Vinh, Văn Hải, Thành Hải... linh hoạt áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn. Phát triển đồng bộ nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, hậu cần nghề cá. Đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá Đông Hải trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch biển theo hướng văn minh, hiện đại.
Song song với việc xây dựng các mô hình kinh tế, những năm qua các cấp Hội Nông dân Tp. Phan Rang - Tháp Chàm triển khai nhiều hoạt động thiết thực chung tay hoàn thiện và nâng cao chất lượng đô thị loại II, từng bước xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh. Theo đó, các cấp hội từ thành phố đến cơ sở vận động hội viên tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; duy trì hiệu quả 16 tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, đẹp từ ngõ ra đồng”... Tiêu biểu có Hội Nông dân phường Kinh Dinh định kỳ hằng tháng ra quân dọn vệ sinh tuyến kênh mương Nhị Phước. Qua đó, nếp sống văn minh đang lan tỏa, thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi hội viên, người dân, diện mạo thành phố ngày càng đổi thay tích cực.
Mỹ Dung