Với vai trò Chi hội trưởng phụ trách địa bàn xã Phước Diêm (Thuận Nam) CCB Võ Văn Vũ luôn mạnh dạn “thử sức” nhiều mô hình từ nuôi tôm, nuôi hươu sao, chim yến đến đầu tư điện mặt trời áp mái... qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định khoảng 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Võ Văn Vũ còn là “hạt nhân” tích cực tham gia công tác xã hội, quan tâm hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ chia sẻ: CLB không chỉ là nơi giao lưu gặp gỡ của những CCB, CQN trong tỉnh mà còn là địa chỉ tin cậy giúp các hội viên (HV) trau dồi kiến thức kinh doanh, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, liên kết, hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm... Tham gia CLB tôi có thêm động lực, kiến thức tự tin đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Kinh tế ổn định tôi có thêm điều kiện tham gia tích cực các phong trào an sinh xã hội ở địa phương.
Cơ sở chế biến mộc dân dụng của hội viên Nguyễn Châu Toàn, phường Đô Vinh
(Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động.
Không chỉ CCB Võ Văn Vũ, nhiều HV trong CLB nhạy bén, sáng tạo mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho CCB, con CCB, quân nhân xuất ngũ và người lao động ở địa phương. Đơn cử như ông Nguyễn Châu Toàn, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mở rộng thêm 2 cơ sở chế biến mộc dân dụng, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động. Hay như ông Bùi Hóa, xã Tri Hải (Ninh Hải) đầu tư thêm 6 ha đất canh tác sản xuất muối giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương... Bằng các hoạt động phong phú, CLB còn tạo điều kiện giúp nhiều mô hình phát triển hiệu quả, như: Phòng khám, chữa bệnh Đông y Phước Thiện Đường kết hợp kinh doanh nhà nghỉ của HV Cao Thị Thanh Mai, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), giúp 6 hộ dân địa phương có thêm thu nhập; mô hình chăn nuôi dê, bò vỗ béo, kết hợp sản xuất gạch táp lô của HV Nguyễn Văn Huế, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) tạo việc làm ổn định cho 4-5 lao động địa phương...
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB hiện có 51 HV sinh hoạt ở 6 chi hội trực thuộc, tham gia phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực như: Trang trại, nuôi trồng thủy sản; kinh doanh dịch vụ, thương mại... Dù thành lập trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng mỗi HV trong CLB luôn nỗ lực, đoàn kết, chia sẻ nhiệt tình những kinh nghiệm làm kinh tế. Các mô hình sản xuất, kinh doanh của CLB thu hút trên 970 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 210 lao động CCB và con cháu CCB với tổng doanh thu 268 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 4-10 triệu đồng/năm. Để CLB hoạt động hiệu quả, các chi hội sinh hoạt định kỳ 6 tháng/lần; thông qua những buổi họp mặt, gặp gỡ, các HV trong CLB có điều kiện tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, kịp thời hỗ trợ nhau cải thiện kinh tế gia đình. Mặt khác, các HV làm kinh tế khá, giỏi có dịp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phổ biến sâu rộng các mô hình điển hình trong toàn hội; động viên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhận con em CCB vào làm, học nghề, tạo công ăn việc làm ổn định. Nhờ vậy, phần lớn các gia đình CCB - CQN đều khá giả, có thu nhập ổn định. Hoạt động của CLB góp phần nâng cao chất lượng công tác hội, là môi trường thuận lợi để mỗi HV vươn lên ổn định cuộc sống.
Cùng với việc hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế các HV trong CLB còn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội như: Hỗ trợ cho CCB nghèo, khó khăn về nhà ở; đóng góp các nguồn quỹ địa phương; ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19... với tổng kinh phí trên 176 triệu đồng. Thông qua hoạt động của CLB đã góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng HV; vận động CCB - CQN giữ gìn và phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, như: “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn hội còn 2,66%.
Mỹ Dung