Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.

Huyện Thuận Bắc có đông đồng bào DTTS sinh sống. Các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn đem lại nhiều kết quả khích lệ. Đặc biệt, tại các xã đặc biệt khó khăn như Phước Kháng, Phước Chiến, với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; mạng lưới trường lớp… từng bước được hoàn thiện đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân, sản xuất nông nghiệp cũng có sự chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đồng chí Đá Mài Bắn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến, nhìn nhận: Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực của cấp trên, diện mạo nông thôn của xã có sự thay đổi từng ngày. Riêng trong năm nay, người dân trên địa bàn vui mừng, phấn khởi khi được nhà nước xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà sinh hoạt văn hóa thanh thiếu niên xã, với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, tạo sân chơi bổ ích cho thanh, thiếu nhi trong xã được vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao.

Công trình Nhà sinh hoạt văn hóa thanh thiếu niên xã Phước Chiến (Thuận Bắc)
được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân địa phương.

Toàn tỉnh hiện có trên 170.000 người DTTS, chiếm gần 24% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, kết cấu hạ tầng được đầu tư tăng cả về quy mô và khối lượng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), từng bước thu hẹp khoảng cách với vùng đồng bằng. Theo đó, đối với hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã được tập trung đầu tư, với chiều dài hàng trăm km như: Tuyến đường Phước Chiến - Phước Thành, An Hòa - Phước Trung, Ma Nới - Gia Hoa, Suối Le - Phước Kháng… Cùng với đó, mạng lưới giao thông nông thôn, nội đồng cũng được quan tâm đầu tư theo chuẩn nông thôn mới. Đến nay, 100% xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa, cấp phối sỏi tăng hằng năm. Về hạ tầng thủy lợi, toàn tỉnh xây mới, nâng cấp, mở rộng 66 công trình hồ chứa nước, kè, đập, hệ thống kênh cấp 2, cấp 3, với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, giúp mở rộng vùng tưới vùng DTTS&MN trên 2.200 ha, góp phần tăng năng suất cây trồng, giải quyết nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.

Song song đó, cơ sở vật chất trường lớp cũng được đầu tư bài bản ở khu vực đồng bào DTTS&MN sinh sống, với 94 công trình được xây mới, sửa chữa mở rộng phòng học ở các cấp, với tổng vốn hơn 199,7 tỷ đồng. Mạng lưới trường dân tộc nội trú (DTNT) và phổ thông dân tộc bán trú được quan tâm nâng cấp; trong đó, có 4 trường DTNT cấp huyện, 1 trường DTNT cấp tỉnh và 15 trường hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Hạ tầng y tế cũng được quan tâm đúng mức, một số trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã khu vực miền núi còn được hỗ trợ trang thiết bị y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngoài các công trình hạ tầng KT-XH thiết yếu, tỉnh còn dành phần lớn nguồn vốn xây dựng các công trình phục vụ dân sinh khác như: Hỗ trợ xây mới nhà ở cho đồng bào DTTS nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; khai hoang, cải tạo và phục hóa trên 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp; nâng cấp mở rộng công trình chợ nông thôn, hệ thống lưới điện, nước sinh hoạt và các công trình văn hóa, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Từ việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc có thể cảm nhận rõ bước tiến mới về kết cấu hạ tầng ở khu vực sinh sống của người dân vùng DTTS&MN. Trong thời gian tới, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2025, định huớng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung rà soát, ưu tiên nguồn lực đầu tư mở rộng mạng lưới giao thông, hệ thống thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất và một số cơ sở hạ tầng về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực đồng bào DTTS&MN của tỉnh trong những năm tới.