Ninh Hải: Triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ gây ra. Ngay từ đầu năm 2023, huyện Ninh Hải đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch PCTT và TKCN. Bố trí lực lượng và phương tiện, chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng, ban chủ động ứng phó kịp thời trong trường hợp mưa lũ xảy ra.

Những năm trước đây, đến mùa mưa bão, người dân sống ở khu vực ven biển tại hai xã Thanh Hải và Nhơn Hải luôn sống trong tâm trạng bất an vì triều cường ngày càng xâm lấn sâu vào các khu dân cư và các trại nuôi thủy sản gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Để nâng cao khả năng ngăn triều cường xâm thực, PCTT. Đầu năm 2022, từ nguồn vốn đầu tư công, huyện Ninh Hải đã tập trung xây dựng tuyến đê ven biển với tổng nguồn vốn gần 200 tỷ đồng. Đến nay công trình đã hoàn thành giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống và sản xuất. Anh Nguyễn Tài ở thôn Mỹ Hiệp chia sẻ: Trước đây, mỗi khi đến mùa mưa bão, sóng biển dâng cao tràn vào nhà dân nên bà con luôn trong tâm trạng bất an. Giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng kè biển kiên cố nên bà con rất mừng. Bà Lê Thị Được, Trưởng thôn Mỹ Hiệp cho biết: Trước đây trên địa bàn thôn có tuyến kè cũ xây dựng hơn 20 năm bằng rọ đá, trải qua nhiều mùa mưa bão xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa sạt lở sâu vào khu dân cư nên bà con rất lo lắng. Được sự quan tâm của Nhà nước xây dựng bờ kè, không chỉ giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống, còn tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đánh bắt hải sản vào neo đậu tránh trú bão an toàn.

Ngư dân xã Thanh Hải chủ động neo đậu tàu, thuyền an toàn.

Để chủ động PCTT trong mùa mưa bão năm nay, huyện Ninh Hải tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự PCTT an toàn, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo ở các địa bàn trọng yếu thường xảy ra lũ ống, lũ quét như: Thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải; các khu vực trọng điểm sạt lở như: Tuyến đường Xuân Hải - Phước Trung, Tỉnh lộ 702, 704 và tuyến đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên; các khu vực dễ xảy ra lũ lụt: Xuân Hải, Tân Hải, Phương Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải; các khu vực thường sạt lở núi như: Tuyến đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên; các khu vực có khả năng bão đổ bộ như: Khu vực cửa biển Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải; khu vực bến cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải, cảng cá Ninh Chữ, thị trấn Khánh Hải... Bên cạnh đó, với tinh thần chủ động, UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn vùng biển phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh Hải, Vĩnh Hải, Đông Hải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, công tác đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra trang thiết bị, chế độ thông tin liên lạc, phòng, chống cháy nổ, kiên quyết không giải quyết cho các phương tiện không đảm bảo an toàn đi biển. Thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, bão, áp thấp nhiệt đới trên các vùng biển, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân có ý thức chủ động sẵn sàng đối phó với thiên tai, thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, thuyền trưởng biết để chủ động phòng tránh bảo đảm an toàn. Đồng thời, duy trì kết nối thông tin liên lạc giữa các cơ quan chức năng, gia đình chủ tàu với thuyền trưởng trong suốt thời gian phương tiện hoạt động trên biển, nhanh chóng tổ chức lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Trên địa bàn huyện Ninh Hải hiện có các công trình thủy lợi: Hồ Nước Ngọt, hồ Thành Sơn, hồ Ông Kinh và vùng hạ lưu các hồ chứa nước. Vì vậy, công tác bảo đảm vận hành an toàn các hồ đập cũng được huyện quan tâm, nhất là khi các hồ chứa có kế hoạch xả lũ.

Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: Xác định PCTT& và TKCN là công tác cực kỳ quan trọng, huyện đã chủ động xây dựng phương án phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trên cơ sở đó, huyện chỉ đạo các xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, chủ động xây dựng kế hoạch PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến của thời tiết để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động của nhân dân trong công tác ứng phó với thiên tai; tăng cường sử dụng các mạng lưới thông tin chuyên dùng các ngành quân đội, công an, biên phòng trong công tác PCTT. Tổ chức trực ban phòng, chống bão lũ 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến thời tiết, các tình huống, sự cố thiên tai xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện, cắm biển cảnh báo, phân loại mức độ sạt lở, đề ra biện pháp xử lý, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão, lũ gây ra.