Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

Ngày 28/8, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021- 2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) tổ chức Phiên họp thứ 4 đánh giá kết quả thực hiện các CTMTQG và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì phiên họp. Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Lê Huyền và các thành viên Ban chỉ đạo các CTMTQG tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2023, tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện 3 CTMTQG (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững) là 83.616,619 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư công là 48.216,812 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp là 35.379,807 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) ước thực hiện đến ngày 31/8/2023 đạt khoảng 16.365,331 tỷ đồng (đạt 47,81% kế hoạch). Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đề ra. Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo bình quân vùng đồng bào DTTS trong cả nước đạt 3,4% (cao hơn so với mục tiêu 3% kế hoạch giao); ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2023 còn 2,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82%. Cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận phiên họp tại điểm cầu tỉnh ta.

Phát biểu tham luận tại phiên họp, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo: Thời gian qua, Ninh Thuận đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều văn bản quản lý, điều hành để triển khai thực hiện 3 CTMTQG. Tính đến ngày 20/8/2023, Ninh Thuận giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương của năm 2022, đạt 91,4% và năm 2023 đạt 53,3%; giải ngân vốn sự nghiệp kế hoạch năm 2022 đạt 43% và năm 2023, đạt 22%. Đồng chí kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét thông báo tổng mức trần vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 5 năm của từng CTMTQG cho các địa phương để có cơ sở triển khai; đồng thời, cho phép các địa phương được phép điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp giữa các Tiểu dự án, Dự án thành phần của CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương…

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của từng chương trình. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để tổ chức thực hiện các CTMTQG đồng bộ từ trung ương đến địa phương; tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực tại địa phương đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, dàn trải…