Hội thảo khoa học về công tác bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục của tỉnh

Ngày 26/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “25 năm công tác bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận - Thực tiễn và kinh nghiệm (1999-2023)”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh; lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) và Trường Chính trị tỉnh. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí UVTV Tỉnh ủy: Trần Minh Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Châu Thị Thanh Hà, Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm; lãnh đạo Trường Chính trị các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa và lãnh đạo các ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh; lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) và Trường Chính trị tỉnh chủ trì hội thảo.

Hội thảo là dịp để Tỉnh ủy và Học viện CTQG Hồ Chí Minh nhìn lại một cách toàn diện, khách quan quá trình phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, giáo viên (CB,GV) ngành Giáo dục; đề ra giải pháp đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục và mở rộng ra các ngành, địa phương khác trên phạm vi tỉnh ta và cả nước. Với mục đích, ý nghĩa đó, hội thảo đã nghe phát biểu đề dẫn do GS.TS Lê Văn Lợi trình bày và 12 ý kiến phát biểu, tham luận trực tiếp tại hội trường cùng 29 báo cáo, tham luận gửi đến Ban tổ chức. Từ nhiều góc độ khác nhau, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá, tổng kết lại quá trình phối hợp tổ chức bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh 25 năm qua; phân tích, làm rõ bối cảnh, sự cần thiết bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh cho CB,GV ngành Giáo dục của tỉnh từ cuối những năm 1990; những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn và vấn đề đặt ra cho công tác bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí minh trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Kết quả qua 25 năm thực hiện công tác bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh cho CB,GV ngành Giáo dục của tỉnh đã góp phần khẳng định và làm rõ hơn, sâu sắc hơn giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh và việc triển khai thực hiện các lớp bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh cho CB,GV là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của Học viện CTQG Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Để việc học tập, bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục nói riêng, trong cán bộ và nhân dân nói chung tiếp tục trở thành việc làm thường xuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung, ý nghĩa Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời, phát động các phong trào thi đua học tập, lao động, sản xuất thiết thực, sát với thực tế của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Qua đó, phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Đối với Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố cần nghiên cứu đổi mới về nội dung, kết cấu, thời gian của chương trình bồi dưỡng, sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả bồi dưỡng bảo đảm trung thực, khách quan. Quan tâm lựa chọn, bố trí đội ngũ giảng viên có phẩm chất, trình độ chuyên môn cao, phương pháp sư phạm tốt, kết hợp mời đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương nơi mở lớp. Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên cần tích cực tích hợp các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đồng chí cũng mong muốn lãnh đạo Học viện CTQG Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn nữa việc nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các lớp bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh cho CB,GV ngành Giáo dục. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Tỉnh ủy, Học viện CTQG Hồ Chí Minh và các cơ quan tham mưu trực thuộc trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp hằng năm cũng như có sự đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, rút kinh nghiệm, giúp công tác bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt hơn trong những giai đoạn tiếp theo.