Ngư dân tập trung khai thác vụ cá Nam

Ngư dân các địa phương ven biển của tỉnh hiện đang tấp nập vươn khơi đánh bắt vụ cá Nam. Được xem là vụ cá có sản lượng và mang lại thu nhập chủ yếu, nên tranh thủ thời tiết thuận lợi trong những tháng qua, hầu hết tàu cá của ngư dân, nhất là các tàu cá làm nghề pha xúc, lưới vây, lưới rê đều đã vươn khơi đánh bắt đạt hiệu quả cao.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vào giữa tháng 2 đến nay, ngư trường khá thuận lợi khi cá nổi xuất hiện tương đối nhiều, số lượng tàu cá tham gia khai thác bình quân chiếm 85% tàu cá toàn tỉnh. Bên cạnh thời tiết, ngư trường thuận lợi cùng với giá xăng, dầu đang ổn định nên hoạt động khai thác thủy sản phát triển khả quan. Số liệu thống kê 7 tháng năm 2023 cho thấy, sản lượng thủy sản ước đạt 84.202,1 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao nhất các năm 2020-2023. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5.848,2 tấn, tăng 3,0%; sản lượng khai thác đạt 78.353,9 tấn, tăng 2,6% cùng kỳ năm.

Thương lái thu mua hải sản tại cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Theo nhiều ngư dân, so với vụ cá Nam năm trước thì năm nay thời tiết thuận lợi hơn, đối tượng đánh bắt đa dạng, đặc biệt là các loại như: Cá cơm, cá nục, cá trích, mực... cũng đã bắt đầu xuất hiện. Các tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt vùng lộng, ven bờ đã hoạt động nhộn nhịp. Nhiều tàu cá sau thời gian vươn khơi đã khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá nục, mực lá, mực nang..., mang lại thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến biển. Đối với ngư dân, đây là mùa vụ khai thác hải sản mang lại sản lượng và thu nhập chính, nên ngay từ sáng sớm tại các cảng cá như: Cà Ná, Đông Hải,... đã có nhiều tàu cá nối đuôi nhau cập cảng bốc dỡ thành quả vươn khơi, tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt tiếp theo.

Ngư dân Nguyễn Văn Phát, xã Phước Diêm (Thuận Nam), chia sẻ: Đầu tháng 6 tàu của tôi đã xuất hành vụ cá Nam. Sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt từ 3-5 ngày, bình quân sản lượng đạt từ 3-5 tấn cá cơm. Với giá bán dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lãi gần 70 triệu đồng/chuyến. Cũng trong niềm vui khi đánh bắt hiệu quả, ngư dân Trần Văn Đông, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) phấn khởi vì tàu của anh dự định ra khơi khoảng 7 ngày, may mắn trúng luồng cá cơm nên sau 5 ngày tàu đã quay về bờ. Khi vừa cập cảng, thương lái thu mua hết số cá với giá khá ổn, sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên được khoảng 10 triệu đồng/người.

Để giúp ngư dân khai thác hiệu quả vụ cá Nam, ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả; đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương tăng cường công tác dự báo tình hình thời tiết, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tu sửa, bảo dưỡng tàu thuyền, máy móc trang thiết bị hàng hải, bổ sung ngư lưới cụ, trang bị thêm máy dò cá, củng cố lại các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển...

Khoảng thời gian khai thác vụ cá Nam kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, thời điểm này cũng đã xuất hiện nhiều mưa, bão, áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, theo Sở NN&PTNT ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cao công suất tàu cá, đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại trong khai thác cũng như chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển. Cùng với đó, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức ký cam kết với ngư dân trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác bất hợp pháp và các quy định chống khai thác IUU. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên theo quy định; hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký, khai báo sản lượng hải sản, thông tin chuyển biển; tổ chức cho ngư dân, chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

Với ngư dân niềm vui của họ không giản đơn là sự ấm no khi khoang thuyền đầy cá, mà được vươn khơi trên vùng biển quê hương còn là niềm tự hào dân tộc nhằm khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.