Chương trình nghị sự 5 điểm của tân Tổng Giám đốc IMF

Tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa công bố chương trình nghị sự 5 điểm nhằm vực dậy vai trò của thể chế tài chính này trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp quá cao, nợ chính phủ vẫn đè nặng nhiều nền kinh tế phát triển và nguy cơ phát triển quá nóng đe dọa các nền kinh tế mới nổi.

Theo Tổng Giám đốc Lagarde, ba vấn đề đang thách thức IMF và nền kinh tế toàn cầu được các nhà kinh tế IMF gọi tắt là “3 C” bao gồm “Nối kết” (Connectiveness), “Tín nhiệm” (Credibility) và “Toàn diện” (Comprehensive). Thể chế này phải theo dõi chặt chẽ sự nối kết ngày càng lớn giữa các nền kinh tế trên toàn cầu, đồng thời cảnh báo kịp thời sự lan truyền các nguy cơ từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác.

Bên cạnh đó, để nâng cao sự tín nhiệm, các phân tích cũng như cách hành xử của IMF cần khách quan, tin cậy và công bằng. IMF cần đánh giá một nền kinh tế một cách toàn diện không chỉ bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô truyền thống như thâm hụt tài chính mà còn phải dựa trên các nhân tố khác như nạn thất nghiệp và các vấn đề xã hội, đồng thời phải phối hợp với các thể chế quốc tế chuyên môn khác về lao động, thương mại.

Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của thể chế tiền tệ quốc tế này, hai vấn đề IMF cần thúc đẩy là tăng cường tính pháp lý và tính đa dạng của thể chế đã gần 70 năm tuổi này. Bà nhấn mạnh, các nước thành viên IMF cần hoàn tất các cải tổ đã được hoạch định từ năm 2010 nhằm cải thiện vai trò quản trị của IMF và tăng cường vị thế của các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế có chỉ số thu nhập thấp trong IMF.

Theo SGGP Online