Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, các nước phát triển nên đi đầu trong việc thông qua các mục tiêu nhằm giảm đáng kể lượng khí thải, vì theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lượng khí thải bình quân đầu người hiện nay của các nước này gấp vài lần so với các nước đang phát triển.

Phát biểu của ông Hồng được coi là phản ứng trước phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối tuần qua rằng các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, phải chia sẻ gánh nặng với các nền kinh tế phát triển trong vấn đề cắt giảm lượng khí thải. Ông Hồng nói Trung Quốc nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thể hiện ở việc chính phủ đã đặt ra các mục tiêu, có các hành động cụ thể và đạt được những kết quả có thể sánh với các nước phát triển và được các nước khác ghi nhận. Từ năm 2006-2010, nước này đã cắt giảm 19,1% lượng khí thải tính trên một đơn vị GDP so với năm 2005.

Các nhà khoa học và một ủy ban của Liên hợp quốc đã đề nghị các nước phát triển cắt giảm 25-40% lượng khí thải so với các mức trong những năm 90 của thế kỷ trước, song cho đến nay, các nước này mới chỉ cam kết các mức cắt giảm 13-17%. Bà Merkel cho rằng để có thể khống chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất trong khoảng 2 độ C, lượng khí thải tính theo đầu người mỗi năm cần phải giảm xuống mức 2 tấn, trong khi con số hiện nay của Mỹ là 20 tấn, Đức 10 tấn và Trung Quốc 4 tấn. Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Copenhagen năm 2009, các nước phát triển đã cam kết hỗ trợ 30 tỷ USD để các nước nghèo có thể đương đầu với biến đổi khí hậu và phát triển các công nghệ năng lượng sạch trong thời gian từ năm 2010-2012.

Theo báo cáo "Các xu hướng toàn cầu trong đầu tư vào năng lượng tái tạo năm 2011", Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về đầu tư trong lĩnh vực này trong năm 2010. Đầu tư cho năng lượng sạch đã bùng nổ mạnh mẽ trong năm ngoái, với con số kỷ lục là 211 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước đó. Trung Quốc, một quốc gia mới nổi với quyết tâm thay đổi mô hình phát triển kinh tế trong những năm gần đây, đứng đầu danh sách các nước có đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch. Nước này đã dành 48,9 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu công nghệ và năng lượng sạch, đặc biệt là các trang trại gió.

Các dự án năng lượng gió đã thu hút số vốn đầu tư lớn nhất trên toàn cầu, với 94,7 tỷ USD, tăng 30% trong năm ngoái. Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng Mặt Trời được đầu tư 86 tỷ USD, còn hoạt động sản xuất năng lượng từ các chất hữu cơ có nguồn gốc động thực vật và rác thải đứng ở vị trí thứ ba, với 11 tỷ USD tiền đầu tư. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng là nước đi tiên phong trong năng lượng tái tạo, dẫn đầu thế giới về đầu tư mới cho các tấm bảng Mặt Trời đặt trên mái nhà, với 34 tỷ USD trong năm 2010, tăng 132% so với năm 2009.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước đang phát triển đã vượt các nước công nghiệp trong các dự án lớn về năng lượng tái tạo trong năm ngoái. Lĩnh vực tư nhân ở các nước đang phát triển đã chi số tiền 72 tỷ USD cho năng lượng xanh, so với 70 tỷ USD ở các nước phát triển. Ở châu Âu, đầu tư cho các dự án quy mô lớn giảm 22%, xuống 35,2 tỷ USD.

(Theo THX)