Nhiều nhà phân tích nhận định kinh tế thế giới sẽ lấy lại đà phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhờ hoạt động của các nhà máy vốn bị ảnh hưởng bởi trận động đất-sóng thần hôm 11-3 của Nhật Bản trở lại gần mức thông thường, giá dầu mỏ dịu hơn và chi tiêu tiêu dùng được cải thiện.
Sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của các nhà máy ở Nhật Bản và giá dầu giảm hơn là hai nhân tố tích cực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế tế toàn cầu. Tuy nhiên, tiêu dùng sẽ không đóng góp nhiều. Nhu cầu vẫn yếu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, với các số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ đã giảm sút tại Mỹ, Đức và Anh. Nếu báo cáo về tình hình việc làm trong tháng 6-2011 của Mỹ, dự kiến được công bố cuối tuần này, vẫn cho thấy các chỉ số thất vọng như trong tháng 5, điều này có thể làm gia tăng những lo ngại rằng người tiêu dùng Mỹ không sẵn sàng đảm đương vai trò thường thấy của những "người đi mua của thế giới". Thị trường lao động sẽ là mối quan tấm lớn nhất trong dự báo của các nhà kinh tế. Chuyên gia kinh tế Paul Dales, thuộc hãng phân tích Capital Economics có trụ sở tại Toronto (Canada), dự báo thị trường lao động Mỹ đã tạo được 80.000 việc làm mới trong tháng 6/2011, phù hợp với dự đoán của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Reuters. Con số này thấp hơn nhiều so với các tháng 2,3 và 4. Tuy vậy, ông Dales vẫn lạc quan cho rằng các yếu tố tiêu cực trong báo cáo việc làm của tháng 6 sẽ ít hơn.
Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 5-2011 đã tăng lên 9,1% khi thị trường lao động chỉ tạo thêm 54.000 việc làm, bằng một nửa số cần thiết. Đây là một sự thay đổi đột ngột trên thị trường lao động Mỹ vì 3 tháng liên tiếp trước đó, trung bình mỗi tháng có thêm 220.000 việc làm. Một số nhà phân tích nhận định các yếu tố ngắn hạn là nguyên nhân gây ra sự yếu kém trên thị trường lao động của Mỹ. Trong đó, việc gián đoạn chuỗi cung do tác động của trận động đất, sóng thần hồi tháng 3 tại vùng Đông Bắc Nhật Bản được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất việc làm trong ngành chế tạo xe hơi. Giá nhiên liệu cao, dù đã chững lại trong thời gian gần đây, cũng góp phần hạn chế các kế hoạch tuyển dụng của các nhà bán lẻ và nhà hàng. Ngoài ra, những lo ngại về thâm hụt ngân sách quốc gia và hạn chót để nâng trần nợ đang đến gần cũng làm giảm lòng tin vào nền kinh tế.
Giá dầu mỏ đã giảm 18% kể từ mức đỉnh điểm hôm 2-5, và sản lượng của các nhà máy ở Nhật Bản đạt mức tăng hàng tháng cao nhất trong vòng 60 năm qua trong tháng 5/2011, giữa lúc hoạt động sản xuất vốn bị ảnh hưởng nặng nề do thảm hoạ thiên tai mới đây đang phục bình trở lại. Điều này sẽ là nhân tố then chốt giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất của các nhà máy trên toàn cầu, vì Nhật Bản là một nhà cung cấp linh kiện xe hơi và điện tử chủ chốt của thế giới. Sự chững lại của giá dầu bắt đầu góp phần làm dịu lạm phát, cũng như "sức ép lợi nhuận" của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, áp lực về giá cả vẫn là chủ đề nóng tại nhiều nước, và lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục được nâng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế đang nổi chủ chốt khác.
Ngay cả các nền kinh tế tiên tiến cũng đang cảm nhận thấy sức ép nói trên. Các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Reuters đều dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát khi thể chế này có cuộc họp vào ngày 7-7. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ thông báo quyết định của họ về chính sách lãi suất trong cùng ngày. Tuy nhiên, BoE được dự báo sẽ giữ nguyên tỷ lệ lãi suất đi vay, cho dù lạm phát ở Anh đang cao hơn so với mức tiêu của ECB. Giới chuyên gia kinh tế nhận định tăng trưởng kinh tế của Anh sẽ vẫn ảm đạm, do đó BoE sẽ chưa thể tăng lãi suất.
Trên thực tế, sự phục hồi của các nhà máy ở Nhật Bản và đà suy giảm của giá dầu vẫn không đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động chế tạo của toàn cầu trong tháng 6-2011. Một loạt kết quả khảo sát công bố cuối tuần qua cho thấy, nhu cầu đang trong tình trạng ảm đạm trên toàn cầu. Lượng đơn hàng xuất khẩu mới đã chững lại ở nhiều nước xuất khẩu hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Mỹ là có thể được coi là "trường hợp đặc biệt", với chỉ số ngành chế tạo trong tháng 6 tăng hơn dự kiến. Tuy nhiên, sự khởi sắc này cũng chứa đựng những chi tiết kém ấn tượng: lượng hàng tồn kho ngày ngày tăng chiếm phần lớn trong mức tăng trưởng của ngành chế tạo. Điều này có thể trở thành một vấn đề nếu nhu cầu không cải thiện.
Theo Reuters