Một trạm khai thác dầu cung cấp cho "con đường tơ lụa" dầu khí của Nga.
Các tuyến đường ống dẫn dầu được xây dựng gần đây nối vùng Viễn Ðông với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Á được coi là "Con đường tơ lụa" dầu khí mới của nước Nga, giúp dòng dầu mỏ Nga tuôn chảy tới châu Á ngày càng dồi dào.
Một trong nhiệm vụ chủ yếu của chính sách năng lượng hướng về các nước châu Á và Thái Bình Dương của nước Nga đến năm 2020, là thành lập tại đông Xi-bia và Viễn Ðông một hệ thống khai thác và vận chuyển dầu mỏ, khí đốt thống nhất để xuất khẩu cho các nước châu Á.
Chính phủ Nga vừa phê duyệt đề án nâng công suất vận chuyển của tuyến đường ống dẫn dầu đông Xi-bia - Thái Bình Dương dài hơn 4.770 km, lên mức chuyên chở 80 triệu tấn dầu/năm. Ngoài ra, Nga sẽ lắp đặt nhánh đường ống dự phòng qua sông An-ga-ra, Lê-na, An-dan và bổ sung năm trạm bơm dầu mới. Hệ thống này liên kết các mỏ ở tây và đông Xi-bia với vùng bờ biển Thái Bình Dương nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng của LB Nga. Việc mở rộng mạng đường ống dẫn dầu đông Xi-bia - Thái Bình Dương kết nối mỏ dầu Tai-sét ở vùng I-rơ-cút-xcơ với trạm chuyển tải Xcô-vô-rô-đi-nô ở vùng A-mua-xcơ, được hy vọng sẽ tạo đà thúc đẩy phát triển hạ tầng cơ sở huyết mạch của kinh tế khu vực Viễn Ðông.
Theo đó, một phần dầu mỏ được vận chuyển bằng đường sắt đến cảng Cô-dơ-mi-nô ở Pri-mo-xki, một phần khác được cung cấp cho Trung Quốc theo phân nhánh từ tuyến đường ống lớn.Trước đây, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga hầu như chỉ hướng sang châu Âu. Với việc đưa tuyến đường ống đông Xi-bia - Thái Bình Dương vào hoạt động, Nga đã mở con đường tiến vào thị trường các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang là trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới. Hiện Trung Quốc đang là nhà tiêu thụ năng lượng chính ở châu Á và trong vòng mười năm tới, nhu cầu năng lượng của nước này có thể tăng gấp hai lần.
Ðến năm 2020, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ là mười triệu thùng/ngày, trong đó phải nhập khẩu 60%. Nhật Bản là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư thế giới và là nước nhập khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới. Nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế Hàn Quốc và Ấn Ðộ cũng tăng mạnh và sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2015. Trong khi đó, dầu mỏ Nga có ưu thế cạnh tranh hơn dầu mỏ từ khu vực Trung Ðông bởi lợi thế về tuyến đường vận chuyển ngắn hơn.Tập đoàn dầu khí của Nga Gazprom đang tích cực xúc tiến xây dựng đường ống dẫn khí tuyến Kha-ba-rốp-xcơ - Vla-đi-vô-xtốc dài 4.500 km trong năm 2012. Khi hoàn thành, tuyến đường ống này sẽ có khả năng vận chuyển 32 đến 35 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Theo hãng tin Nga RIA Novosti, Gazprom đã giành quyền kiểm soát mỏ khí ngưng tụ Cô-vức-ta, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất tại vùng Xi-bia với trữ lượng khoảng hai nghìn tỷ mét khối khí, nhằm mở rộng hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này sang Trung Quốc. Ngoài ra, Nga cam kết tăng gấp hai lần lượng dầu và khí cung cấp cho Nhật Bản trong năm 2011 để giúp đất nước mặt trời mọc khắc phục hậu quả trận động đất lịch sử kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Phó Thủ tướng Nga I.Xê-trin khẳng định, trong năm nay, Nga sẽ cung cấp cho Nhật Bản 18 triệu tấn dầu mỏ và khoảng 3 đến 4 triệu tấn than đá, đồng thời cũng sẽ tăng đáng kể lượng khí hóa lỏng cấp cho Tô-ki-ô. Hiện mỗi ngày Nhật Bản nhập khẩu khoảng năm triệu tấn khí hóa lỏng từ mỏ Xa-kha-lin 2 của Nga.
Ðể tăng nguồn cung cấp cho "con đường tơ lụa" dầu khí mới, Nga đang tích cực đẩy nhanh tiến độ khai thác dầu khí. Bộ Năng lượng Nga cho biết, trong bốn tháng gần đây, sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Nga tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2010 và đạt hơn 167 triệu tấn. Lượng khí đốt khai thác và xuất khẩu của Nga trong bốn tháng đầu năm nay đều tăng, trong đó khí đốt xuất khẩu tăng 18,7%. Dự kiến trong năm nay, Nga xuất khẩu khoảng 242 triệu tấn dầu mỏ và xuất khẩu hơn 201 tỷ m3 khí đốt.
Theo Nhân Dân Online