Báo động nạn thất học trên toàn cầu

Tại hội nghị cấp cao thường niên diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ công bố bản báo cáo điều tra cho biết, trên thế giới hiện có 67 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường. Khủng hoảng chính trị - xã hội, khủng hoảng kinh tế, xung đột được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc này.

Xung đột ở 35 quốc gia

Theo Tân Hoa xã, ngoài con số báo động về số trẻ em bị thất học toàn cầu, một con số khác cũng gây nhiều bất ngờ: 796 triệu người trưởng thành vẫn thiếu những kiến thức văn hóa cơ bản, chiếm 17% dân số ở độ tuổi trưởng thành trên toàn thế giới. Con số này sẽ tiếp tục tăng cao nếu các nước không chú ý đầu tư cho giáo dục.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ Lazarous Kapambwe nhận định: “Giáo dục là vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia, khu vực và cả thế giới. Giáo dục là cần thiết đối với tất cả mọi người”.

 Bạo lực, những vụ tấn công vào trường học đã ngăn cản nhiều trẻ em Afghanistan đến trường.

Một trong những thách thức mà Hội đồng Kinh tế-xã hội LHQ chú trọng bàn luận trong cuộc họp thường niên lần này là nhiều chính phủ đang thực hiện cắt giảm ngân sách giáo dục do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Một khảo sát đã cho biết, 7 trong số 18 quốc gia có thu nhập thấp đã cắt giảm chi tiêu đối với giáo dục trong năm 2009, vấn đề này làm gia tăng quan ngại rằng sẽ có nhiều trẻ em không thể đến trường.

Bên cạnh đó, một trở ngại lớn đối với nền giáo dục chính là xung đột vũ trang, tình trạng diễn ra tại 35 quốc gia trên toàn thế giới trong thập kỷ vừa qua khiến 28 triệu trẻ em đã phải nghỉ học, chiếm 42% dân số trẻ em toàn thế giới.

Năm 2010, có hơn 600 cuộc tấn công vào trường học ở Afghanistan, ở Bắc Yemen lên tới 220 cuộc. Trẻ em bị bắt vào lính phổ biến ở 24 nước. Bạo lực tình dục, hãm hiếp trẻ em diễn ra ở nhiều nước châu Á và châu Phi. Xung đột vũ trang đã chiếm dụng các nguồn ngân sách dành cho giáo dục, trong đó 21 nước nghèo nhất thế giới đã phải chi cho vũ khí nhiều hơn chi cho giáo dục.

Viện trợ quốc tế cho giáo dục cơ bản đã tăng tới 4,7 tỷ USD, gấp 2 lần kể từ năm 2002 đến nay nhưng thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu hỗ trợ giáo dục 16 tỷ USD của các nước thu nhập thấp.

Lo ngại mục tiêu giáo dục toàn cầu 2015

Các quan chức tham gia Hội nghị Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ bày tỏ lo ngại việc thực hiện cam kết tại Hội nghị cấp cao LHQ năm 2000 hướng tới mục tiêu tất cả mọi người trên toàn cầu đều được hưởng thụ giáo dục vào năm 2015 có nguy cơ đổ vỡ. Con số trẻ em thất học hiện nay vẫn còn quá cao.

Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ kêu gọi các nước phát triển và mới nổi tăng cường viện trợ giúp các nước nghèo vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, tránh nguy cơ cắt giảm ngân sách giáo dục, bảo đảm cơ hội được học hành của hàng triệu trẻ em tại các nước nghèo trên thế giới.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho rằng, cộng đồng thế giới cần hành động kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa để chống lại những vi phạm quyền con người, đảm bảo mọi trẻ em đều được đến trường, đồng thời nỗ lực tìm ra các phương thức vượt qua những thất bại trong giáo dục toàn cầu hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần đảm bảo rằng các hệ thống giáo dục quốc gia và quốc tế phải cung cấp được cho thế hệ trẻ các kỹ năng và những giá trị nhân văn cần thiết để họ vượt qua nghèo đói, thất nghiệp cũng như những tuyệt vọng về kinh tế thường dẫn đến xung đột và bạo lực.

Nguồn Báo SGGP