Đẩy mạnh cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023

Để khắc phục và tiếp tục tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngày 14/7/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2877/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt so với kế hoạch.

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh ta đạt 65,43 điểm, tăng 3,20 điểm (năm 2021 là 62,23 điểm), tăng thứ hạng 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt của cả nước. Cụ thể, trong 10 chỉ số thành phần (CSTP), có 7 chỉ số, gồm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tăng điểm số và thứ hạng. Có 3 chỉ số là: Chi phí không chính thức; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, giảm điểm số và thứ hạng.

Để khắc phục và tiếp tục tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng của chỉ số PCI, ngày 14/7/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2877/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI năm 2023 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt so với kế hoạch. Trong đó: Gia nhập thị trường đạt từ 7,77 điểm lên trên 7,87 điểm; Tiếp cận đất đai tăng từ 7,00 điểm lên trên 7,50 điểm; Tính minh bạch tăng từ 6,08 điểm lên trên 6,60 điểm; Chi phí thời gian tăng từ 7,36 điểm lên trên 7,50 điểm; Chi phí không chính thức tăng từ 7,02 điểm lên trên 8,50 điểm; Cạnh tranh bình đẳng tăng từ 5,55 điểm lên trên 6,20 điểm; Tính năng động của Chính quyền tỉnh tăng từ 7,11 điểm lên trên 7,50 điểm; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng từ 5,52 điểm lên trên 6,15 điểm; Đào tạo lao động tăng từ 5,20 điểm lên trên 6,60 điểm; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng từ 7,60 điểm lên trên 8,10 điểm.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" huyện Ninh Sơn. Ảnh: V.Miên

Trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, nhất là người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải nêu cao trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ đổi mới tư duy, nắm vững nội dung các Chỉ số thành phần PCI. Chủ động đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI gắn với nâng cao chất lượng điều hành phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức nếu phát hiện có thái độ sách nhiễu, tiêu cực, nhằm tập trung khắc phục để tăng điểm và vị trí xếp hạng 3 chỉ số bị giảm điểm, giảm thứ hạng trong năm 2022.

Cụ thể: Đối với Chỉ số Chi phí không chính thức, giao Thanh tra tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu xây dựng đa dạng các kênh phát hiện thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế về tố cáo hành vi nhũng nhiễu và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ thuộc lĩnh vực phụ trách hạn chế sự chồng chéo, đùn đẩy, nhằm kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hành vi có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự minh bạch và hiệu quả, phấn đấu đến cuối năm chỉ số này đạt trên 8,50 điểm, tăng 1,48 điểm so năm 2022.

Đối với Chỉ số Đào tạo lao động, giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố, Trường Cao đẳng nghề phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp; thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng phát triển các ngành nghề trọng điểm, ưu tiên và gắn kết giữa đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, các ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao của tỉnh để huy động nguồn lực, đầu tư tập trung. Đẩy mạnh việc phối hợp với DN trong tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của DN..., phấn đấu đến cuối năm đạt trên 6,60 điểm, tăng 1,40 điểm so năm 2022.

Đối với Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, giao Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hoá hình thức phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật của nhà nước cho DN. Tăng cường phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh để DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, phán quyết công bằng, đúng pháp luật để cộng đồng DN tin tưởng, tôn trọng sự bảo vệ của pháp luật. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực cho việc tổ chức thi hành án, đảm bảo quyền lợi của DN, nhà đầu tư. Phấn đấu đến cuối năm đưa chỉ số này đạt trên 8,10 điểm, tăng 0,50 điểm so năm 2022.

Đối với 7 chỉ số thành phần tăng điểm số và thứ hạng trong năm 2022, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng. Trong đó, đối với Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; Cục Thuế tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, triển khai tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách, quản lý, phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt trên 7,87 điểm, tăng 0,10 điểm so năm 2022. Chỉ số Tiếp cận đất đai, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, Sở Công Thương, Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh phối hợp thực hiện, phấn đấu đạt trên 7,50 điểm, tăng 0,50 điểm so năm 2022. Chỉ số Tính minh bạch, giao Sở KH&ĐT, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội DN, Hội doanh nhân trẻ phối hợp thực hiện, phấn đấu đạt trên 6,60 điểm, tăng 0,52 điểm so năm 2022. Chỉ số Chi phí thời gian, giao Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh, cùng các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện, phấn đấu đạt trên 7,50 điểm, tăng 0,14 điểm so năm 2022. Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, giao Sở KH&ĐT, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ phối hợp tực hiện, phấn đấu đạt trên 6,20 điểm, tăng 2,25 điểm so năm 2022. Chỉ số Tính năng động của Chính quyền tỉnh, giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Văn phòng UBND tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở Nội vụ phối hợp thực hiện, phấn đấu đạt trên 7,50 điểm, tăng 0,39 điểm so năm 2022. Chỉ số Chính sách hỗ trợ DN, giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Sở Công Thương, Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở KH&ĐT, Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp thực hiện đạt trên 6,15 điểm, tăng 0,63 điểm so năm 2022.

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng giao Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận và các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn chủ động hỗ trợ các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức truyền thông, phổ biến kế hoạch đến cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh; tăng cường vai trò theo dõi, giám sát của các cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình thực hiện các mục tiêu của kế hoạch.