Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6)

Vì một cộng đồng sạch ma túy

Để chung tay “Vì một cộng đồng sạch MT”, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình “chặn cung, giảm cầu”, tạo lập “lá chắn” cấp xã sạch MT, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện MT tại cộng đồng. Các mô hình này, không những giúp xóa bỏ nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp về MT mà còn giảm tỷ lệ tái nghiện, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng sau cai nghiện.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, MT, mại dâm, trên thế giới hiện có hơn 275 triệu người sử dụng MT bất hợp pháp. Việt Nam hiện khoảng 196.000 người nghiện MT (giảm hơn 9.000 người so với năm 2021), trong đó hơn 97.000 người đang ở ngoài xã hội (chiếm 50%); gần 60.000 người sử dụng trái phép chất MT; hơn 15.000 người bị quản lý sau cai nghiện, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung. Đây là “nguồn cầu” rất lớn về MT, kéo theo việc tổ chức sử dụng trái phép chất MT diễn biến hết sức phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Bên cạnh đó, các tội phạm MT là những đối tượng phức tạp, nguy hiểm, ngày càng có xu hướng tinh vi, manh động, liều lĩnh. MT tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại MT mới xuất hiện ngày càng nhiều, ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất MT có xu hướng trẻ hóa, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, đe dọa sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.

Trong khi đó, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất MT tổng hợp có chiều hướng gia tăng. Các loại hình tội phạm MT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng, tuyến hoạt động để tránh sự kiểm soát, phát hiện và bắt giữ của lực lượng chức năng. Đặc biệt, tội phạm MT liên quan đến công nghệ cao có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng triệt để lợi dụng tiến bộ của khoa học-công nghệ, như: sử dụng phương thức thanh toán giao dịch bằng thẻ ngân hàng quốc tế; sử dụng tiền ảo không có giá trị ở Việt Nam nhưng vẫn có giá trị quy đổi và thanh toán ở một số quốc gia; liên lạc qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber, Telegram...) để thực hiện các hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý...

Trước những diễn biến phức tạp trên, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, công tác phòng, chống tội phạm về MT đã được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả và đạt được nhiều thành công trên các mặt công tác.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT (Bộ Công an) đã chủ trì phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển phát hiện, khám phá thành công trên 23.000 vụ, bắt giữ hơn 32.000 đối tượng phạm tội về MT; triệt xóa gần 1.000 điểm, tụ điểm phức tạp về MT. Chuyển hóa và xây dựng hàng trăm địa bàn sạch không MT. Thu giữ số lượng lớn MT, vũ khí, phương tiện, tài sản liên quan đến hoạt động phạm tội, trong đó có nhiều chuyên án đặc biệt lớn xuyên quốc gia, thu giữ số lượng lớn MT các loại, làm giảm nguồn cung MT ra xã hội; đồng thời thu giữ hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT toàn quốc đã phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh, khám phá thành công hơn 13.000 vụ, bắt giữ hơn 20.000 đối tượng, thu giữ hơn 312 kg heroin, hơn 1,6 tấn, gần 828.000 viên MT tổng hợp, 174 kg cần sa, hơn 400 kg cocaine. Khởi tố 11.045 vụ, 16.117 bị can. Bắt, vận động đầu thú, thanh loại 186 đối tượng truy nã về MT.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục C04, hiện nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc triển khai công tác điều tra cơ bản theo 5 lĩnh vực xuyên suốt, với chiến thuật phòng, chống tội phạm về MT theo 3 lớp, làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống MT ở khu vực biên giới; đồng thời mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm về MT với các nước láng giềng như: Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Đặc biệt, Cục C04 đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ký Bản ghi nhớ và ban hành Kế hoạch tăng cường hợp tác phòng, chống ma tuý giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào, góp phần ngăn chặn nguồn cung ma tuý từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào vào Việt Nam. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và các nước, đối tác khác như Cảnh sát Liên bang Australia, Cơ quan phòng, chống MT Hoa Kỳ xác lập các chuyên án chung để tập trung đấu tranh đối với các tổ chức tội phạm ma tuý xuyên quốc gia; cử cán bộ sang nước bạn phối hợp điều tra, bắt giữ triệt để các đối tượng trong tổ chức tội phạm, đồng thời phối hợp truy bắt các đối tượng truy nã tại các nước, đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật.

Bộ Công an cũng mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về MT trên phạm vi toàn quốc. Tăng cường đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về MT; tập trung điều tra, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển MT lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia; bắt giữ cả đường dây, đối tượng cầm đầu. Xây dựng phương án đấu tranh phòng, chống tội phạm MT trên tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng chống MT...

Theo TTXVN