Trước đây, cây nho được trồng bằng hạt rất yếu và thời gian từ khi trồng đến khi cho thu hoạch kéo dài. Vì vậy, để nhân giống trong sản xuất thì phương pháp ghép thường được sử dụng nhất, vì đây là phương pháp nhân giống có tỷ lệ thành công cao và cây con khỏe, vừa giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ vừa kết hợp được những ưu điểm của gốc ghép. Để đảm bảo chất lượng của các cây nho ghép, đề tài “So sánh khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng nho trên các gốc ghép khác nhau” đã được tiến hành vào năm 1996. Đề tài do Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Ninh Thuận thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các giống nho sinh trưởng tốt trên gốc ghép Couderc 1613 và Ramsey, đây là những gốc ghép có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường, có khả năng tiếp hợp tốt với các giống nho đang được trồng trong sản xuất. Song song đó, đề tài “Nghiên cứu duy trì tập đoàn giống nho” do Viện Nha Hố thực hiện bằng ngân sách sự nghiệp khoa học cho thấy công tác nghiên cứu chọn tạo giống mới bắt đầu được chú trọng.
Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) chăm sóc vườn nho tham gia cuộc thi “Giàn nho đẹp” năm 2023. Ảnh: Sơn Ngọc
Năm 2000, qua thực hiện đề tài “Phục tráng giống nho đỏ Red Cardinal tại Ninh Thuận” Viện Nha Hố đã bình tuyển, phục tráng được 7 đầu dòng của giống Cardinal với nhiều đặc tính nổi trội. Các dòng này thể hiện những đặc tính tốt so với đối chứng như tính ổn định về năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất (khối lượng chùm, mật độ chùm). Khối lượng quả lớn hơn so với giống Cardinal sản xuất đại trà, năm 2003 đề tài đã được nghiệm thu đạt loại khá.
Năng suất và chất lượng quả nho phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố giống, vì vậy số lượng đề tài cũng như kinh phí tập trung cho nghiên cứu về giống chiếm tỷ lệ lớn. Cũng trong năm 2000, Viện Nha Hố đã chọn lọc được giống nho ăn tươi NH01-48 phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và điều kiện khí hậu, đất đai ở tỉnh Ninh Thuận. Giống nho này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật năm 2002. Đến năm 2004, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh để thực hiện dự án cấp nhà nước “Sản xuất thử nho an toàn NH01-48 có sử dụng các chế phẩm hữu cơ sinh học”. Dự án sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó vốn vay ngân hàng chiếm phần lớn. Kết quả dự án đã xây dựng được quy trình sản xuất nho NH01-48 an toàn; mô hình sản xuất nho an toàn với diện tích 100 ha, đưa giống nho NH01-48 trở thành giống nho chủ lực của tỉnh. Lần đầu tiên đã xây dựng được các thương hiệu nho an toàn như: Ba Mọi, Ninh Phú, đưa nho Ninh Thuận thâm nhập vào thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh. Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá đạt xuất sắc.
Nông dân thôn Thái An (Ninh Hải) chăm sóc vườn nho. Ảnh: V.Nỷ
Trong giai đoạn 2000-2003, đề tài “Trồng trình diễn giống nho mới Black Queen tại 4 điểm trên 4 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Thuận”; tiếp theo, đề tài “Nghiên cứu chọn tạo một số giống nho làm rượu”; “Nghiên cứu chọn tạo một số giống nho ăn tươi giai đoạn 2006-2010”. Từ các công trình này, giống nho Black Queen cũng đã khẳng định được ưu thế về năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh so với giống nho đỏ Red Cardinal, màu sắc đặc biệt, bổ sung làm đa dạng về cơ cấu giống nho. Kết quả chọn tạo một số giống nho ăn tươi đã nhập nội được 22 giống mới, đánh giá sơ bộ cho thấy có 3 giống có triển vọng; lai tạo được 10 tổ hợp nho lai F1, các cây nho lai đang được theo dõi sinh trưởng và phát triển. Chọn tạo được giống NH01-152 có các yếu tố chất lượng như độ Brix cao hơn NH01-48 từ 15.3-16%; cao hơn giống Red Cardinal từ 14,1-14,6% tùy theo mùa vụ. NH01-152 có trọng lượng quả lớn (6,2-6,7 g/quả), trọng lượng chùm cũng cao hơn NH01-48, khả năng đậu quả cao, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường, màu sắc đẹp, hương thơm, tiềm năng cho năng suất cao so với các giống hiện có (năng suất vượt so với Cardinal và NH01-48 từ 30-40 %). Giai đoạn 2013-2016, giống này được trồng thử nghiệm trên một số hộ nông dân với quy mô 1 ha thông qua đề tài “Nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình thâm canh giống nho mới NH01-152 theo hướng VietGAP”. Tính đến năm 2023, diện tích giống nho NH01-152 trên địa bàn tỉnh đã lên đến 20 ha và được trồng ở tỉnh Bình Thuận khoảng 25 ha.
Từ năm 2020 đến nay, Viện Nha Hố đã nghiên cứu chọn lọc từ tập đoàn và thử nghiệm 2 giống nho không hạt NH04-61 và NH04-128 trong phạm vi đề tài “Trồng thử nghiệm hai giống nho không hạt NH04-61 và NH04-128 tại Ninh Thuận theo hướng VietGAP”. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy các giống nho không hạt đạt năng suất 11-13 tấn/ha/vụ, độ Brix hơn 18%. Đề tài sẽ được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng trong tháng 7/2023. Trên cơ sở tập đoàn giống nho đã thu thập và nhập nội, Viện Nha Hố còn triển khai nhiệm vụ thuộc đề án bảo tồn gen: “Thu thập, bảo tồn và khai thác nguồn gen cây nho phục vụ cho công tác chọn tạo giống, nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững cây nho tại Ninh Thuận”. Vườn bảo tồn nguồn gen cây nho hiện đang lưu giữ đánh giá các giống nho ăn tươi, nho chế biến rượu, nho không hạt và nho gốc ghép.
Qua nhiều năm phục tráng và chọn tạo giống, chất lượng cũng thay đổi nhiều, quả nho từ chỗ chỉ nặng trung bình từ 2-3 g/quả vào những năm 1980-1990, thì nay trọng lượng quả lên đến 6 g/quả, vỏ quả dày rất dễ vận chuyển, độ đường cao, màu sắc hấp dẫn không thua kém nho nhập khẩu.
Anh Tùng