Nâng tầm vị thế cây nho

Bài cuối: Mở hướng phát triển sản xuất nho

Nghề trồng nho ở Ninh Thuận đang dần phát triển lên tầm cao mới với việc ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao (CNC) với quy mô lớn. Tuy vây, sản xuất nho trong thực tế còn tồn tại nhiều vấn đề cần có giải pháp khắc phục để mở hướng phát triển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tồn tại lớn nhất của nghề trồng nho là kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”. Mặt khác, cây nho đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, đầu tư vốn lớn, nhưng lại dễ bị thiệt hại do thời tiết biến động thất thường nên phát triển chưa bền vững. Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nho chưa được phát triển mạnh, do chi phí đầu tư cao, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là CNC trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có vốn kiến thức và trình độ nhất định. Trong khi đó, nguồn nhân lực lao động phục vụ cho nghề trồng nho hiện tại còn thiếu và yếu. Công nghệ sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, đa số người dân bảo quản nho ở điều kiện bình thường nên chỉ kéo dài khoảng 3 - 5 ngày, vì vậy gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nho tươi. Dự báo thời gian tới, chịu tác động lớn do tác động của biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng rõ nét, kèm theo thiên tai khó lường, hạn hán tiếp tục tác động đến sản xuất cây nho; giá cả tiêu thụ không ổn định, áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nhập khẩu. Ngoài ra, còn chịu sức ép cạnh tranh từ các địa phương trong nước có các sản phẩm trái cây tương tự; việc nhân rộng mô hình trồng nho CNC còn hạn chế, chưa được mở rộng... cũng là những khó khăn cần sớm được khắc phục.

Mô hình trồng nho trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của hộ gia đình ông Nguyễn Đình Trí
tại thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) trở thành điểm đến tham quan thu hút rất đông du khách. Ảnh: Kim Thùy

Để mở rộng diện tích nho trong những năm tới, ngành Nông nghiệp đã khảo sát đánh giá tiềm năng các khu vực đất trồng nho phù hợp, với tổng số diện tích trên 7.905 ha, trong đó có khoảng 4.000 ha đất chủ động nước tưới. Trên cơ sở tiềm năng của diện tích đất sản xuất nho, ngành Nông nghiệp đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn với quy mô 2.553 ha; trong đó, huyện Ninh Phước 1.716,68 ha, Ninh Hải 230,49 ha, Thuận Nam 252,27 ha, Ninh Sơn 142,29 ha, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 211,48 ha. Tỉnh đưa ra định hướng từ nay đến năm 2030 phát triển sản xuất nho theo hướng tập trung ứng dụng CNC để tăng năng suất, chất lượng, gắn với du lịch sinh thái và hướng đến xuất khẩu. Tỉnh đưa ra định hướng từ nay đến năm 2030 phát triển sản xuất nho theo hướng tập trung ứng dụng CNC để tăng năng suất, chất lượng, gắn với du lịch sinh thái và hướng đến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nho khoảng 1.770 ha, sản lượng đạt 44,16 nghìn tấn/năm; đến năm 2030 diện tích khoảng 2.000 ha, sản lượng đạt 51,3 nghìn tấn/năm. Nghiên cứu, khảo nghiệm các giống nho mới có chất lượng và năng suất cao hơn các giống hiện nay nhằm mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình trồng nho CNC, trồng nho hữu cơ, trồng nho sinh thái kết hợp du lịch tham quan trải nghiệm vườn nho nhằm khai thác tiềm năng lợi thế để nâng cao giá trị cây nho hơn nữa.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh giải pháp tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất nho cho phù hợp với thực tế về đất đai và khu vực trồng, đảm bảo khai thác tốt tiềm năng của những vùng đất thích hợp với cây nho. Ưu tiên quy hoạch các địa điểm trồng nho có diện tích tập trung, sản xuất theo cánh đồng lớn, tạo ưu thế cho việc đầu tư hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông, gắn với du lịch trải nghiệm. Xây dựng kế hoạch chuyển những diện tích các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng nho; tiếp tục hoàn thiện các thủ tuc về kỹ thuật, pháp lý để chuyển giao các giống nho có năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất. Khuyến khích phát triển các vườn nhân giống đảm bảo chất lượng tại các cơ sở, trang trại, các tổ khuyến nông trên địa bàn tỉnh để vừa cung cấp giống tốt với giá cả hợp lý, vừa là nơi để tham quan học tập nhằm giúp nông dân trồng nho nắm bắt thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng.

Nhiều du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm tại Trang trại nho Ba Mọi. Ảnh: V.Nỷ

Với mục đích canh tác cây nho theo hướng bền vững, trong thời gian tới, công tác nghiên cứu khoa học sẽ đi sâu vào các đề tài nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng bền vững, thời vụ hợp lý, công tác quản lý dịch hại tổng hợp trên nền tảng sản xuất sản phẩm an toàn, bền vững về cây trồng và môi trường sinh thái. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất nho theo hướng chất lượng, ứng dụng CNC, gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng quy trình kỹ thuật cho từng giống nho khác nhau. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích nâng cấp và cải tạo các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và nâng công suất, quy mô thông qua các chương trình ưu đãi tín dụng, các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Tăng cường năng lực cho hợp tác xã để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở những vùng trồng nho trọng điểm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của cây nho. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách hỗ trợ cây nho. Đồng thời, rà soát, ban hành các chính sách đủ mạnh để phục vụ cho phát triển cây nho bền vững hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân vừa sản xuất nho vừa tham gia đóng góp vào các chương trình du lịch trang trại, nông thôn để tăng hiệu quả sản xuất. \

Để giữ vững thương hiệu “Nho Ninh Thuận”, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tỉnh đề ra giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ về thực hiện an toàn thực phẩm trong chế biến và đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường chất lượng sản phẩm, dần tiến tới áp dụng các hình thức quản lý chất lượng thực phẩm tiên tiến, có uy tín. Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị sản xuất, phân phối trong tiêu thụ sản phẩm đặc thù của tỉnh nói chung, sản phẩm từ nho nói riêng tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu, khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm; xây dựng bản tin cơ hội thị trường nhằm cung cấp thông tin giá cả, tình hình thị trường sản phẩm hàng hóa cho người dân. Tăng cường năng lực cho hợp tác xã để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã, nông dân dân và doanh nghiệp.

Những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nho đã khẳng định sự quan của tỉnh trong đầu tư vào nông nghiệp. Từ định hướng đúng, sẽ giúp nghề trồng nho phát triển vượt bậc, qua đó tạo thuận lợi cho nông dân khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây trái đặc thù của vùng miền để làm giàu.