Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về KC giai đoạn 2012-2022, tỉnh đã huy động trên 50,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí KC quốc gia, KC địa phương và vốn đối ứng của doanh nghiệp (DN) để triển khai thực hiện 114 đề án KC với 119 đơn vị được thụ hưởng bao gồm các DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên toàn tỉnh. Qua đánh giá, các hoạt động KC đã phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các đơn vị, cơ sở sản xuất, DN cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.
Hệ thống băng tải cấp liệu biến tần tự động tích hợp máy tách màu phân loại hạt điều được hỗ trợ vốn từ Chương trình khuyến công quốc gia của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Phát Ninh Thuận. Ảnh: CTV
Là đơn vị được thụ hưởng từ Chương trình KC quốc gia, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cường A.I.C (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) từ đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, những năm qua cùng với việc thụ hưởng chính sách KC, công ty đã mạnh dạn đầu tư máy khắc cắt, máy cuốn ống kim loại, máy dập đột thủy lực, máy hàn laser sợi quang hiện đại để mở rộng sản xuất, hoạt động ngày càng hiệu quả. Ông Lê Ngọc Cường, Giám đốc Công ty, cho biết: Trước khi đầu tư máy móc thiết bị, đơn vị chỉ làm được từ 5.000-7.000 sản phẩm inox/năm nên rất khó cạnh tranh. Từ năm 2017-2022, chương trình KC đã giúp DN phát triển sản xuất, mở rộng được thị trường đến nhiều tỉnh thành trong khu vực, sản phẩm làm ra tăng hơn gấp 3 lần trước đây với trên 15.000-20.000 sản phẩm/năm. Đây là động lực lớn giúp DN phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Phát Ninh Thuận (Ninh Hải) được hỗ trợ nguồn vốn 500 triệu đồng Chương trình KC quốc gia năm 2020-2021, đơn vị đã đối ứng trên 550 triệu đồng đầu tư hệ thống máy rang hạt điều công nghiệp; máy tách màu, phân loại hạt điều và băng tải cấp liệu biến tần tự động tích hợp máy tách màu phân loại hạt điều để hiện đại hóa sản xuất. Trong năm 2023, công ty tiếp tục nhận được hỗ trợ từ chương trình KC và đầu tư thêm máy dò kim loại, máy hút chân không, băng tải cấp liệu cho máy hạt điều rang muối để hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đóng gói sản phẩm tốt hơn với tổng kinh phí thực hiện 407 triệu đồng. Ông Đổng Dương Khoảnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Phát Ninh Thuận, cho biết: Trước đây chưa có sự hỗ trợ, đầu tư máy móc, công nhân chủ yếu làm việc thủ công như sử dụng lò củi, mỗi mẻ rang chỉ được 15 kg hạt điều với thời gian hơn 20 phút, từ khi sử dụng máy, mỗi mẻ rang tăng lên 50 kg và chỉ mất 12 phút. Việc phân loại hạt điều bằng tay cần từ 20-30 công nhân nhưng cũng chỉ đạt 4-5 tấn/ngày, trong khi dùng máy đã tăng năng suất phân loại lên 10 tấn, giúp công ty đảm bảo các đơn hàng xuất sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, các nước Trung Đông...
Nhằm hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp đặc biệt là các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phát triển, năm 2023 tỉnh đã huy động trên 5,6 tỷ đồng (trong đó nguồn kinh phí KC quốc gia 2 tỷ đồng) để triển khai các hoạt động KC. Từ nguồn kinh phí này, Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại tỉnh triển khai hai nhóm đề án thuộc Chương trình KC quốc gia, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản và sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng tại 6 cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn; đồng thời, triển khai 10 đề án KC của địa phương.
Từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình khuyến công, Công ty Hưng Phát Ninh Thuận đầu tư máy rang hạt điều nâng cao năng lực sản xuất.
Theo Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại tỉnh, thông qua việc triển khai các đề án KC đã huy động nguồn lực của các cơ sở công nghiệp đầu tư sản xuất, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới. Các nội dung về hoạt động KC như: Hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng cơ chế chính sách cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ cơ sở CNNT khảo sát, học tập kinh nghiệm; tham gia hội chợ triển lãm, tìm kiếm mở rộng thị trường, tham gia hội nghị kết nối cung cầu; đặc biệt, việc đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đã giúp các cơ sở tăng trưởng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; chuyển dịch cơ cấu kinh tế CNNT tại các địa phương theo hướng bền vững. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí KC đã giúp các cơ sở CNNT mạnh dạn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và có hướng đầu tư, phát triển các sản phẩm một cách hiệu quả, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
Toàn tỉnh hiện có gần 4.000 DN, cơ sở sản xuất CNNT. Trong đó, các cơ sở CNNT đa phần có điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào nội lực và kinh nghiệm, chưa có kế hoạch định hướng và phát triển lâu dài; khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần được hỗ trợ. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, để góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn, các chương trình KC của tỉnh sẽ tiếp tục được đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng của các đề án KC. Việc hỗ trợ theo hướng lựa chọn các đề án có tính trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, có tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh của địa phương; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu. Để triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, Trung tâm sẽ đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng máy móc tiên tiến, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường giúp các cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm chất lượng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, xây dựng thành các mô hình phát triển CNNT điển hình để đánh giá và nhân rộng.
Anh Tuấn