Đồng chí Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Thời gian qua, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; triển khai các chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân khai thác hiệu quả thế mạnh những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng tại địa phương.
Nông dân xã Phước Hải (Ninh Phước) liên kết với doanh nghiệp trồng măng tây xanh theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tiến Mạnh
Từ sự chủ động kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nên một số cây trồng chủ lực của huyện phát triển đúng theo quy hoạch, định hướng của ngành Nông nghiệp. Qua đó, đã có nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nông dân hợp tác làm ăn với DN, tạo cơ hội mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa DN với HTX và nông dân. Điển hình như mô hình liên kết trong sản xuất bắp giống giữa Công ty TNHH Sản xuất hạt giống CP Việt Nam, Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Giống cây trồng Đông Nam với HTX Phước An, xã Phước Vinh để sản xuất và bao tiêu sản phẩm bắp mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Ông Lê Phúc Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An, cho biết: Việc liên kết trong sản xuất không chỉ giúp các hộ thành viên thay đổi tập quán sản xuất, có cơ hội nắm bắt được kỹ thuật trong sản xuất, mà còn được cung ứng giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân không lo “được mùa mất giá”. Mặt khác, thông qua liên kết giúp DN và nông dân khai thác tiềm năng về đất đai, mở rộng diện tích canh tác, nâng cao giá trị đơn vị sản xuất, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân.
Nông dân xã Phước Thuận trồng táo theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với những hoạt động thiết thực trong kêu gọi DN hợp tác làm ăn với nông dân đã hình thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng với quy mô lớn tại các xã, thị trấn với diện tích 2.346 ha, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào và tránh được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như hiện nay. Đến nay, huyện đã thu hút được một số đơn vị liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử, Công ty TNHH Măng tây xanh Linh Đan Ninh Thuận liên kết với các hộ dân xã An Hải và xã Phước Hải trồng măng tây xanh; HTX Trường Thọ, HTX Như Bình liên kết với các DN trong sản xuất lúa; mô hình liên kết trồng nho, táo sạch ở xã Phước Thuận, Phước Vinh... Thông qua việc liên kết đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất cũ để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Đồng chí Đàng Năng Tom, cho biết thêm: Mặc dù đã có những bước chuyển biến tích cực, song trong quá trình xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự bền vững. Để việc liên kết sản xuất bền vững, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp theo chuỗi giá trị. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương, HTX và nông dân trong thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân...
Tiến Mạnh