Ảnh hưởng của thức ăn và lượng đường trong máu

Lượng đường trong máu có mối quan hệ phức tạp với carbohydrate hấp thụ vào cơ thể. Khi chúng ta ăn hoặc uống thực phẩm có carbohydrate, cơ thể của chúng ta sẽ phân hủy những carbohydrate đó thành một loại đường (glucose) và làm tăng đường huyết. Khi đó tuyến tụy sẽ tiết ra một chất gọi là insulin. Insulin cần thiết để vận chuyển glucose từ máu đi vào tế bào để sử dụng làm năng lượng.

So với protein và chất béo, carbohydrate có tác động lớn nhất đến lượng đường trong máu. Đó là lý do tại sao việc kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào cơ thể lại rất quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường.

Đối với các trường hợp tiền đái tháo đường, người bệnh cần kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào, tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để duy trì sự ổn định đường trong máu.

Các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp điều chỉnh và giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

Các thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate, ngũ cốc tinh chế như gạo trắng, các loại bánh ngọt, bánh mì trắng; kẹo, mứt, đồ uống có đường, ngũ cốc có đường, nước ép trái cây nhiều đường, trái cây ngọt nhiều… khi ăn vào sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.