Mục đích, yêu cầu
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội, các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện đảm bảo, có hiệu quả theo chủ trương tại “Kế hoạch số 46/KH-TU ngày 09/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” và “Kế hoạch số 4197/KH-UBND ngày 15/8/2021 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030” nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em có cơ hội phát triển cả về thể chất, nhân cách và trí tuệ với môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh.
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích, an toàn và phù hợp với từng lứa tuổi thanh thiếu nhi.
Các em thiếu nhi vui chơi tại khu vực phường Đài Sơn (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Giúp các em củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác xã hội, hạn chế tình trạng thanh thiếu nhi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục và tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước trong mùa hè.
Phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì, phối hợp thực hiện, vận động nguồn lực để tổ chức hoạt động hè thiết thực, phù hợp, tiết kiệm; các hoạt động phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh, sinh viên, thanh thiếu nhi tại địa phương và phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới.
Mục tiêu
1. 7/7 huyện, thành phố thành lập Đoàn thiếu nhi tham gia Trại hè cấp tỉnh và tổ chức ít nhất 01 hoạt động hè cho thiếu nhi tại địa phương.
2. 7/7 huyện, thành phố có ít nhất một hoạt động trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
3. 7/7 huyện, thành phố xây dựng mới hoặc sửa chữa ít nhất 02 công trình vệ sinh cho trẻ em, điểm vui chơi thiếu nhi.
4. 100 % xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo và có kế hoạch triển khai hoạt động hè, trong đó 75% duy trì sinh hoạt hè hàng tuần cho thanh thiếu nhi.
5. Huy động trên 50% học sinh, sinh viên tại địa phương tham gia các hoạt động hè tại địa phương.
Nội dung
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục:
- Đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước…
- Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, cung cấp các địa chỉ tin cậy bảo vệ trẻ em, tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Kế hoạch số 3126/KH-UBND ngày 3/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 861/KH-UBND ngày 23/2/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 778/ KH-UBND ngày 07/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm năm 2023 tỉnh Ninh Thuận, Kế hoạch số 837/KH-UBND ngày 09/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tăng cường các hoạt động phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt năm 2023. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức Đoàn thanh niên, Hội, Đội trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, giáo dục, định hướng thanh thiếu nhi giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Tổ chức ôn tập hè, các hoạt động vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi:
Đẩy mạnh các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, tháng hành động vì trẻ em chú trọng tổ chức ôn tập văn hóa, bổ trợ kiến thức, dạy tin học, ngoại ngữ cho các em học sinh trong dịp hè, nhất là ôn tập kiến thức cho học sinh có học lực yếu, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khó khăn nhằm giảm thiểu tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học trong năm học mới 2023 - 2024. Tăng cường hướng dẫn các em tìm hiểu và tham gia các hoạt động chuyển đổi số phù hợp với lứa tuổi, tham gia tương tác an toàn trên không gian mạng xã hội.
Tổ chức các hoạt động tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, như: cắm trại, dã ngoại, tham quan, thi kể chuyện sách thiếu nhi, múa hát tập thể, các trò chơi dân gian, hành trình đến địa chỉ đỏ… Tổ chức và khuyến khích các em tham gia các lớp năng khiếu: bơi lội, võ thuật, bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng đá, nhạc, họa… kết hợp đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, tạo môi trường để thanh thiếu nhi tham gia rèn luyện thân thể nhằm hạn chế thanh thiếu nhi chơi các trò chơi điện tử bạo lực, các trò chơi không an toàn, vi phạm pháp luật trong dịp hè.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các lớp nói chuyện chuyên đề cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ biết các kỹ năng giáo dục trẻ em để bảo vệ bản thân, phòng tránh bị bạo lực và xâm hại tình dục; nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các ngành, các cấp tổ chức tốt các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em, tổ chức Diễn đàn trẻ em nhằm thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em, các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em nhằm hạn chế tình trạng bị xâm hại, tai nạn thương tích nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông trong dịp hè.
Quan tâm huy động nguồn lực tổ chức các lớp kỹ năng sống; thành lập các câu lạc bộ bơi, đội cứu hộ thanh niên; tổ chức nhiều cuộc thi bơi cho các em thiếu nhi nhằm trang bị những kỹ năng phòng tránh, cứu đuối nước và giúp các em nâng cao sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng sống và phòng tránh xâm hại, tai nạn thương tích.
3. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng và phong trào “Vì đàn em thân yêu”:
Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7); tổ chức Lễ thắp nến tri ân; thăm tặng quà, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức “Bữa cơm gia đình - Sưởi ấm lòng mẹ”; thăm, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em và người dân các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Tổ chức xây dựng các công trình, phần việc thanh niên từ tỉnh đến cơ sở; vận động và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên, thanh niên tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với thực hiện chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè; xây dựng mới hoặc chỉnh sửa các công trình nhà vệ sinh phục vụ thiếu nhi, các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi tại địa bàn dân cư; hiến máu tình nguyện; “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, hoạt động “Tuần lễ xanh”, các hoạt động giữ gìn trật tự an toàn giao thông; các hoạt động tư vấn, định hướng, hỗ trợ việc làm cho thanh niên; tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường cho học sinh, sinh viên.
Tăng cường chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các nội dung trong triển khai các hoạt động hè; tận dụng tối đa ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi thông qua các hoạt động như xây dựng hệ thống website, fanpage đồng bộ của tất cả các cơ sở Đoàn, Hội, Đội; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, khả năng sáng tạo của thanh niên trong tham gia thực hiện các công trình, phần việc góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị. Tổ chức tuyên truyền và hỗ trợ thanh thiếu nhi tham gia thực hiện chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động hướng dẫn các em tìm hiểu và tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp với lứa tuổi, tham gia tương tác an toàn trên không gian mạng xã hội, nâng cao lượt tương tác, theo dõi của các trang mạng xã hội về công tác tuyên truyền giáo dục thanh thiếu nhi; tổ chức các trào lưu tích cực phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu nhi trên mạng xã hội trong dịp hè…
Chỉ đạo Đoàn các trường Trung học phổ thông, các Liên đội phối hợp Đoàn - Đội các xã, phường, thị trấn tham mưu Ban Chỉ đạo hoạt động hè cùng cấp tổ chức bàn giao và nhận, theo dõi, quản lý học sinh, sinh viên về sinh hoạt hè tại địa phương; tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện, đội hình khăn hồng tình nguyện hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh; nhận đỡ đầu, giúp đỡ, thăm tặng quà, học bổng, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho các em thiếu nhi; vận động sách, xây dựng thư viện cho các trường học…; quan tâm đến trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cơ sở Bảo trợ xã hội, các cơ sở trợ giúp, giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật…
4. Công tác kiểm tra, giám sát:
Căn cứ nội dung Kế hoạch tổ chức hoạt động hè, Ban Chỉ đạo các cấp, tiến hành xây dựng chương trình kiểm tra giám sát; phân công nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo địa phương phù hợp với tình hình thực tế; báo cáo kịp thời kết quả triển khai tại địa phương, đơn vị; chủ động nhận xét, đánh giá, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động hè năm 2023.
Các giải pháp thực hiện
1. Đổi mới, sáng tạo phương thức tổ chức các hoạt động hè dành cho thanh thiếu nhi, đặc biệt tổ chức trại hè, Ngày hội văn hóa, trải nghiệm… nhằm thu hút các em tích cực, tự nguyện tham gia; nâng cao năng lực của cơ quan thường trực (Đoàn Thanh niên các cấp) theo hướng thiết thực, hiệu quả.
2. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể các cấp trong triển khai hoạt động hè. Đặc biệt là cử cán bộ chuyên môn có chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm tham gia tổ chức hoạt động hè cho thanh thiếu nhi.
3. Các địa phương tăng cường tính chủ động tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn hoặc lồng ghép vào nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, gia đình và thanh thiếu nhi về ý nghĩa, sự cần thiết, bổ ích khi tham gia các hoạt động trong dịp hè.
4. Tăng cường vận động các nguồn lực xã hội cùng góp sức vào công tác tổ chức các hoạt động hè cho thanh thiếu nhi: vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia hỗ trợ vật chất và tinh thần để tổ chức sinh hoạt hè cho các em; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ… tạo nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động hè.
5. Lồng ghép các nội dung hoạt động hè với việc thực hiện nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
6. Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động hè có giải pháp tích cực hỗ trợ các huyện, thành phố tổ chức hoạt động hè
1. Thời gian triể khai: Từ ngày 01/6/2023 đến ngày 15/8/2023.
2. Quy mô triển khai: Toàn tỉnh.
Tổ chức thực hiện
1. Tỉnh Đoàn:
- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả triển khai kế hoạch tại các địa phương, đơn vị.
- Tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo hoạt động hè tỉnh Ninh Thuận triển khai Đề án Chương trình “Học kỳ trong Quân đội” và “Học làm chiến sỹ Công an” giai đoạn 2023- 2030; chỉ đạo Nhà Thiếu nhi tổ chức Trại hè thiếu nhi cấp tỉnh và các lớp năng khiếu, kỹ năng, chú trọng kỹ năng bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em.
- Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn- Hội- Đội chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu UBND cùng cấp triển khai có hiệu quả các hoạt động hè tại địa phương, đơn vị; phát động mạnh mẽ phong trào thanh niên tình nguyện hè, chú trọng nâng cao chất lượng ôn tập hè, đồng thời đẩy mạnh công tác vận động học sinh ra lớp…; phong trào “Khăn hồng tình nguyện”; chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” trong đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn trường học.
- Chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nhĩa, các hoạt động tình nguyện, chương trình thắp nến tri ân và cầu siêu các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7).
- Thực hiện tốt chức năng là cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em; phát huy vai trò Hội đồng đội trên địa bàn dân cư.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục phối hợp với Đoàn thanh niên cùng cấp tổ chức bàn giao học sinh, sinh viên về sinh hoạt hè tại địa phương và tiếp nhận kết quả sinh hoạt hè của học sinh, sinh viên; biểu dương những học sinh, sinh viên tham gia tốt và có hình thức đánh giá đối với những học sinh không tham gia sinh hoạt hè.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mở cửa trường học, phòng học, thư viện, cũng như bổ sung truyện tranh, sách báo, sách giáo khoa phục vụ nhu cầu vui chơi, tìm hiểu kiến thức, ôn tập văn hóa hè cho học sinh; tổ chức hoạt động Hè trong trường học, đồng thời củng cố và đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ, tổ, đội nhóm, câu lạc bộ học thuật của nhà trường trong dịp hè.
- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố và các trường/trung tâm trực thuộc phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan và tạo điều kiện để công tác Đoàn, Đội trong dịp hè được diễn ra thuận lợi; chọn lựa và tạo điều kiện để học sinh tham gia Trại hè Thiếu nhi và các hoạt động hè do cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tổ chức…
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí tại địa phương; phát động phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng bơi an toàn cho trẻ em.
- Giới thiệu địa danh lịch sử, di tích cách mạng, điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi. Tổ chức biểu diễn văn nghệ lưu động, trưng bày triển lãm chuyên đề, tổ chức hội thi kể chuyện sách hè phục vụ cho thanh thiếu nhi; tổ chức xe thư viện lưu động đến các xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
Phối hợp triển khai và tổ chức Lễ phát động Hoạt động hè gắn với phát động “Tháng hành động vì trẻ em”; tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với trẻ em; tổ chức Hội thảo đề ra các giải pháp hạn chế các tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em; mở các lớp tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại ở trẻ em; tham mưu lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà nhân dịp Quốc tế thiếu nhi (1/6); Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tổ chức các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát và phát động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; xử lý kịp thời việc sử dụng lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn lạm dụng bóc lột sức lao động, hành hạ, ngược đãi trẻ em, đảm bảo quyền tham gia của trẻ em trong sinh hoạt hè.
5. Sở Y tế:
Chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức các hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng trong dịp hè. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổ chức các chương trình khám và chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, người dân thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo đặc biệt là bệnh nhân sau khi mắc bệnh Covid-19; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ sức khỏe trẻ em, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống các bệnh mùa hè và tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm; Tăng cường công tác tập huấn về sơ cấp cứu tai nạn đuôí nước, tai nạn thương tích.
6. Sở Nội vụ:
Hướng dẫn về nghiệp vụ quy định phạm vi, đối tượng, tiêu chuẩn để các đơn vị có cơ sở xét bình chọn trình các cấp khen thưởng. Theo dõi kết quả hoạt động của các đơn vị để đưa vào đánh giá thi đua cuối năm.
7. Sở Tài chính:
Có trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hoạt động hè cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khi có yêu cầu.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp triển khai và tổ chức Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới… Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ Đoàn, Hội cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên và các Đội Thanh niên xung kích về một số kỹ năng, nghiệp vụ và các nội dung cơ bản liên quan đến bảo vệ tài nguyên và môi trường.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trang bị kiến thức OCOP và xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn, phòng chống dịch bệnh, vật nuôi, cây giống; ra quân tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống cháy rừng trong dịp hè; Tăng cường cắm các biển báo nguy hiểm tại các ao, hồ sông suối, khu khai thác khoáng sản…
10. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông:
Có kế hoạch hỗ trợ thanh thiếu nhi tích cực nghiên cứu, ứng dụng Khoa học và Công nghệ trong học tập, khởi nghiệp sáng tạo; có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo các em có năng khiếu tin học; phát động sâu rộng phong trào sáng tạo trẻ trong thanh thiếu nhi trên địa bàn toàn tỉnh.
11. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
Chủ động và phối hợp các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật, các Nghị định về phòng chống các tệ nạn xã hội, ma túy và trật tự an toàn giao thông… Tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, nhằm tạo môi trường lành mạnh để học sinh tham gia tốt các hoạt động hè. Chủ động phối hợp triển khai tốt Chương trình “Học kỳ trong Quân đội” và “Học làm Chiến sỹ Công an” năm 2023; chỉ đạo các đơn vị cơ sở xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự các điểm sinh hoạt hè trên địa bàn dân cư.
12. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận:
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung hoạt động hè, tập trung tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống xâm hại trẻ em; thu hình, phát sóng và đưa tin các chương trình hoạt động hè, Chương trình “Học kỳ trong Quân đội” và “Học làm Chiến sỹ Công an” năm 2023; tăng cường các chương trình giải trí phục vụ cho thiếu nhi trong hè.
- Đưa tin, giới thiệu những mô hình hoạt động hè tiêu biểu; thông tin về những trường hợp thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn để kêu gọi giúp đỡ.
13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, đoàn thể tỉnh:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, lịch sử cho thanh thiếu nhi; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt việc chăm sóc trẻ em, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh mùa hè; vận động phụ huynh tạo điều kiện, đưa con em tham gia sinh hoạt hè và các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ do địa phương tổ chức. Vận động nguồn lực trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
- Tăng cường giám sát, phản biện việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết những vi phạm quyền trẻ em.
14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Xây dựng và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Hoạt động hè 2023 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện tốt các hoạt động hè; đồng thời chủ động xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tổ chức các hoạt động hè ở địa phương, đơn vị đạt hiệu quả.
- Tổ chức trại hè các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, an sinh xã hội,… phục vụ thanh thiếu nhi trong dịp hè.
- Chỉ đạo và tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo hoạt động hè cùng cấp tích cực triển khai tham gia các hoạt động do Ban Chỉ đạo hoạt động hè cấp tỉnh và các sở, ban ngành tổ chức. Đồng thời quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh niên cùng cấp tổ chức tốt chiến dịch thanh niên tình nguyện hè; tham gia trại hè do tỉnh tổ chức.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả triển khai của địa phương mình; chủ động nhận xét, đánh giá, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động hè năm 2023.
15. Chế độ báo cáo:
Ban Chỉ đạo Hoạt động hè đề nghị Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thành viên Ban Chỉ đạo Hoạt động hè cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị. Trong quá trình triển khai, nếu có vấn đề vướng mắc, kịp thời phản ánh về Tỉnh Đoàn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) để báo cáo đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Hoạt động hè xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.
NT